Chữa bệnh bằng... tâm lý

thanhlinh

Junior Member
Một người bề ngoài trông có vẻ khỏe mạnh, nhưng nếu trong lòng có điều phiền muộn, bất ổn về tâm lý thì không thể xem là có sức khỏe toàn diện. Và yếu tố tâm lý luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe.
Trong quyển sách Nơi không có bác sĩ (Where there is no doctor, ở VN dịch và xuất bản với tựa đề: Chăm sóc sức khỏe), bác sĩ David Werner, tác giả cuốn sách, đã kể lại một trường hợp: "Có lần tôi thấy một bệnh nhân nhức đầu dữ dội. Một phụ nữ đưa cho anh ta miếng khoai mài và bảo rằng đây là thuốc giảm đau rất mạnh. Anh ta tin lời, đã ăn nó và kết quả là khỏi đau nhanh chóng".
Hiệu ứng placebo
Ở đây, yếu tố tâm lý của người bệnh đã được tác động để phát huy tác dụng tích cực của nó. Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc, nhưng nếu có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật, dùng chất đó và khỏi bệnh gọi là "hiệu ứng placebo".
Trong chừng mực nào đó, có thể ghi nhận hiệu ứng placebo để giải thích những vụ việc liên quan đến việc chữa bệnh kỳ lạ mà nhiều người cho rằng khoa học khó có thể giải thích được. Đó là việc dùng nước lạnh, bùa chú, hay bất cứ thứ nào không phải là thuốc, nói chung là dùng những phương tiện, phương cách không theo y học chính thống nhưng có sự tin tưởng vào tác dụng vẫn có thể chữa được bệnh.
"Placebo" có nghĩa là "tôi làm vui lòng", ý nói bác sĩ sẽ tác động đến yếu tố tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng để mau hết bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, thầy thuốc thường khai thác tối đa yếu tố tâm lý để giúp quá trình bệnh diễn tiến tốt. Bác sĩ có mối quan hệ tốt với bệnh nhân, cung cách khám chữa bệnh đúng mực, nói năng nhẹ nhàng, thân tình, giải thích rõ ràng cặn kẽ, sẽ giúp bệnh nhân ổn định về mặt tâm lý và giúp việc điều trị bằng thuốc hoặc bằng phương thức trị liệu nào đó đạt kết quả nhanh và tốt hơn.
Trước nay, đã có một số phương thức điều trị không dùng thuốc mà dựa hẳn vào yếu tố tâm lý như thôi miên, tự kỷ ám thị, thiền định... để ổn định tâm lý. Nếu stress đã được chứng minh là có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể thì ngược lại, những biện pháp giúp ổn định tâm lý, sảng khoái về mặt tinh thần sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh tật. Người ta ghi nhận các rối loạn liên quan đến triệu chứng cơ năng (như bệnh suy nhược thần kinh) rất dễ chữa khỏi bằng các biện pháp tác động đến yếu tố tâm lý.
Biện pháp hỗ trợ
Tuy nhiên, chúng ta nên xem chữa bệnh bằng yếu tố tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ, chứ không thể thay thế cho tất cả các phương thức trị liệu của nền y học chính thống.
Trong quá trình điều trị bệnh, bác sĩ điều trị có thể cho một thứ thuốc để khai thác hiệu năng placebo. Thí dụ, bệnh nhân bị rối loạn không cần dùng đến thuốc nhưng lại có tâm lý không thể cưỡng là phải được dùng thuốc, bác sĩ có thể cho dùng vitamin để khai thác tác dụng tích cực của yếu tố tâm lý. Và thuốc trong trường hợp này là chất không có tác dụng chữa bệnh thật sự, được gọi là placebo (ở VN thường được dịch là giả dược hoặc "thuốc vờ"). Người bệnh dùng placebo do tin tưởng đó là thuốc chữa bệnh thật và có thể khỏi bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu để tìm ra và sản xuất một thuốc mới, người ta phải loại bỏ hoàn toàn yếu tố tâm lý trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc. Bởi vì, theo định nghĩa, thuốc là những chất có tác dụng thật sự dùng để điều trị, phòng bệnh và chẩn đoán bệnh. Có tác dụng nghĩa là thuốc có tác dụng vật chất vào cơ thể sau khi được bài tiết để đạt hiệu quả chữa bệnh, phòng bệnh, chẩn đoán, chứ không phải chỉ dựa vào tin tưởng nào đó mà khỏi bệnh.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (ĐH Y Dược TP.HCM)

TTO
 
Back
Top