Dâm dương hoắc
Dâm dương hoắc là cây thảo sống lâu năm. Cây phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ẩm và cận nhiệt đới ở Đông Á. Trong y học cổ truyền, dâm dương hoắc được coi là có tác dụng bổ thận, tráng dương, khư phong, trừ thấp, cường gân cốt, mạnh tim. Dâm dương hoắc được dùng làm thuốc bổ thận, chữa các chứng liệt dương, hoạt tinh, di tinh, ít tinh dịch. Ngòai ra, thuốc còn có tác dụng làm mạnh gân xương, chữa loãng xương, đau vùng thắt lưng, phong thấp tê bại, liệt nửa người. Còn dùng chữa thiếu máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh hay quên. Ngày dùng 10-16g, dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Không dùng dâm dương hoắc cho người bị chứng mất ngủ.
Các bài thuốc có dâm dương hoắc
- Chữa liệt dương:
Dâm dương hoắc 16g, cam thảo 4g, gừng sống 3 lát. Sắc uống ngày một thang.
Dâm dương hoắc, tiên mao (rễ sâm cau), ngũ gia bì, mỗi vị 125g; nhãn (bỏ hạt) 100 quả. Ngâm với rượu trắng (1,5-2 lít) trong 20 ngày. Mỗi lần uống 20-30ml, ngày hai lần.
- Chữa xuất tinh sớm, lưng gối mỏi đau, chân tay mỏi, đái rắt: Dâm dương hoắc, phá cố chỉ, thục địa, hoài sơn, ngưu tất, hồ lô ba, thỏ ty tử, ba kích, ích trí nhân, phục linh, sơn thù du, mỗi vị 500g; nhục thung dung 2.500g, lộc hươu 500g, trầm hương 60g. Tất cả nghiền nhỏ trộn với mật ong làm thành viên bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 10g, ngày hai lần.
- Chữa thận dương suy yếu, liệt dương, di tinh, lưng gối đau mỏi, phong thấp sưng đau: Dâm dương hoắc 100g, rượu trắng 500ml; dược liệu chặt nhỏ bọc trong vải gạc, ngâm rượu trong hai tuần. Mỗi lần uống 10ml, ngày hai lần.
- Chữa tăng huyết áp ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh: Dâm dương hoắc, rễ sâm cau, ba kích, tri mẫu, hoàng bá mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
- Thuốc bổ thận, chữa loãng xương, suy nhược cơ thể cho người cao tuổi: Dâm dương hoắc, rễ sâm cau, tang thầm (quả dâu tằm), hoài sơn, thỏ ty tử, hoàng tinh, thục địa mỗi vị 15g; sơn thù du 12g; thận dê hai quả. Nấu nhừ, ăn cả cái lẫn nước làm 2-3 lần trong ngày.