Kết hôn để đừng ly hôn

Jolie

Member
Có vẻ khả năng của con người vừa vô hạn lại vừa hữu hạn. Cách đây nửa thế kỷ con người đã bay vào vũ trụ, sau đó ít năm thì đặt chân lên mặt trăng và sản xuất được cả những trái tim nhân tạo. Nhưng ước mơ cháy bỏng nhất của con người từ ngàn đời nay vẫn rất giản dị: yêu và được yêu. Vậy mà cho đến tận hôm nay, hình như vẫn chưa ai tìm ra được lời đáp cho câu hỏi: cái gì quyết định thành công trong mối quan hệ đặc biệt chỉ có ở con người này?
Sự thành bại trong hôn nhân đã được đề cập đến từ lâu. Những vấn đề chung của hôn nhân, của đời sống vợ chồng, bất kể ở đâu, thuộc nền văn hóa nào, đều đứng trước những câu hỏi giống nhau: Làm thế nào để tạo nên các mối quan hệ luôn đủ độ chín và đem lại sự hài lòng cho cả đôi bên? Phải chăng bản thân mỗi người sau khi kết hôn cần phải đạt tới độ trưởng thành cao hơn nữa? Có phải thành công phụ thuộc vào việc lựa chọn bạn đời? Hay chúng ta phải phục tùng trái tim, tuân thủ tình cảm nhiều hơn là sống quá ú chí? Có cần phải nắm vững hơn các kỹ thuật hiểu biết lẫn nhau?

Nhà nước có nên điều chỉnh chế độ thuế theo hướng khuyến khích các cặp vợ chồng có “thâm niên” chung sống cao? Và còn rất nhiều, rất nhiều những câu hỏi khác. Tất cả những điều nêu trên vẫn chưa biết rõ. Có một thực tế là ở đâu động chạm đến quan hệ cá nhân, ở đó mọi lý thuyết đều ít được kiểm nghiệm. Sự cảm nhận mang tính tâm lý học và xã hội học trở nên quan trọng, bao quát nhiều đề tài, trong số đó sự thống nhất, bổ sung tính cách, các giá trị và mục tiêu chung của cả vợ lẫn chồng, sức mạnh tình yêu, sự phù hợp về tình dục, năng lực giải quyết mang tính xây dựng cuộc khủng hoảng (trong đó có năng lực chuyện trò với nhau), nêu tấm gương tốt về một người đàn ông hay người phụ nữ trong quan hệ vợ chồng, truyền thống xã hội về hôn nhân, quá trình phát triển các giai đoạn của hôn nhân và đặc biệt là những thách thức phát sinh trong từng giai đoạn.
1294806296-1288680673-ANH-AY-THIC-BAN-DEP-KIEU-GI.jpg

Hôn nhân bắt đầu từ tình yêu.
Một nhà tâm lý trị liệu Ba Lan, sau thời gian dài chữa cho các cặp vợ chồng gặp vấn đề trong cuộc sống chung, đã đi đến kết luận, bất cứ lĩnh vực nào của đời sống vợ chồng cũng đều có những chuyện phải giải quyết. Thường thì các vấn đề chồng chéo nhau và cứ mỗi ngày một thêm phong phú, bởi chúng được bổ sung bằng những biến thể không dừng lại về số lượng, đến mức lấn át mối quan hệ bình thường khiến những người trong cuộc phải tìm đến sự giúp đỡ của các nhà tâm lý học.

Không có nguyên tắc duy nhất để tìm ra mối quan hệ lành mạnh và đem lại sự hài lòng cho cả đôi bên. Chúng ta thường gặp trong cuộc sống các mối quan hệ khác nhau, cũng như gặp những con người khác nhau, những quan điểm không giống nhau, những cách thức chiêm nghiệm khác nhau về những hoàn cảnh sống giống nhau. Để chứng minh cho nhận định của mình, các nhà tâm lý trị liệu nêu trên đưa ra ba hoàn cảnh điển hình mà ông cho là thường xảy ra giữa hai con người tự nhiên chấp nhận nhau làm bạn đời.
Một cặp vợ chồng trẻ, độ tuổi 26 và 28. Họ cưới nhau vì “ăn cơm trước kẻng” nhưng cả hai chấp nhận cái thai trong bụng người con gái. Trước khi cưới họ đã có “thâm niên” đi lại với nhau tám năm trời, từ khi cả hai đang còn rất trẻ. Họ yêu nhau say đắm, và được thiên hạn coi là một đôi lý tưởng và những người xung quanh phải phát ghen vì tình yêu của họ không chỉ lớn lao và còn đủ lý do để tồn tại lâu bền. Nhưng chẳng bao lâu sau, trong cuộc sống vợ chồng họ mọi cái đã không còn như trước.

Anh chồng nói đến “các vấn đề tình dục” mà trước đây họ chưa hề gặp phải. Anh khẳng định vợ anh không có hứng quan hệ vợ chồng. Anh lo lắng và đau khổ nghĩ rằng vợ anh không còn yêu anh nữa. Sau nhiều cố gắng không có kết quả, anh càng thêm hoảng loạn. Cuối cùng anh xấu hổ, cảm thấy mình là người mắc lỗi, anh mang nỗi tức giận đổ lên đầu người kia và tức giận mình. Anh đã nghĩ đến chuyện ly hôn vì cho rằng tình yêu giữa hai người đã qua đi và không bao giờ trở lại. Anh xót xa là trong tim nàng anh chỉ đứng ở vị trí cuối cùng.
Về phần mình, nàng khẳng định không có gì thay đổi tình cảm, nhưng do qua mệt mỏi vì những cuộc cãi vã hàng ngày, vì chuyện nuôi con và công việc chuyên môn nên không còn hứng thú sinh hoạt tình dục nữa. Thỉnh thoảng nàng miễn cưỡng đáp ứng nhu cầu của chồng, vì chiều lòng anh, bởi nàng vẫn yêu anh, song bản thân nàng không thấy thoải mái. Sau đó tình hình căng thẳng hơn, đến mức hai vợi chồng đi nghỉ lễ mỗi người một phương và chuyện con trai về thăm ông bà nội hay thăm bà ngoại trở thành vấn đề đưa ra mặc cả.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, trong quan hệ vợ chồng, vấn đề thường nảy sinh khi chúng ta không đánh giá đúng những thay đổi ở người bạn đời của mình, không đánh giá đúng sự khác biệt giữa ta với người ấy, không biết cách thông cảm với nhau và thiếu sự thống nhất về vấn đề trách nhiệm chung. Mâu thuẫn phát sinh khi chúng ta muốn thay đổi người bạn đời của mình, đặc biệt là thay đổi cách cư xử, tính cách, đức tin hay những giá trị mà người đó thừa nhận.
1294806296-1272075939_img.jpg

Và rồi là kết hôn...
Bởi vì “mong muốn “sửa sai” hay “giáo dục” bạn đời cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận tính hấp dẫn và giá trị riêng của người ấy. Câu nói “Anh/em sẽ rất vui nếu anh/em thay đổi” có nghĩa tương tự như từ chối việc đáp ứng nhu cầu của ngươi kia và là sự phủ nhận khả năng đáp ứng nhu cầu cá nhân trong quan hệ với bạn đời. Người ta chỉ có thể tự thay đổi bản thân mình, sau đó mới có khả năng điều chỉnh để phù hợp với bạn đời. Đáp ứng nhu cầu cá nhân trong quan hệ vợ chồng chỉ có thể được thực hiện hóa khi nó đồng thời là sự đáp ứng nhu cầu của người thứ hai.
Người ta đã viết nhiều tập sách về sự cần thiết phải hiểu biết lẫn nhau giữa những người vốn coi nhau là bạn đời. Đặc biệt quan trọng là việc thông tin cho nhau về những tình cảm của mình. Vấn đề là ở chỗ chúng ta muốn đưa vào những tình cảm này sự lý giải thuần túy lý lẽ. Sự hiểu biết lẫn nhau cần được duy trì, song điều quan trọng hơn là nội dung những tình cảm tồn tại giữa hai người. Nỗi tức giận đổ lên đầu bạn đời nói cho ta biết rằng ta không hài lòng về người đó.

Sự tự thúc được điều này thông báo về nhu cầu phải tiến hành một hành động nào đó. Để xua đi nỗi tức giận. Nói cho bạn đời biết về sự tức giận của mình đối với người ấy là lời mời người kia đưa ra hành động tương tự. Tất cả mọi cách chứng minh tình cảm thiên về lý lẽ đều kết thúc bằng việc người ta nhận lỗi về mình hoặc đổ lỗi cho bạn đời. Phủ nhận tình cảm của mình hoặc tố cáo lẫn nhau là việc lấy đi cơ hội đưa ra những hành động nhằm thay đổi tình hình và tình cảm.
Mối quan hệ hai con người phải dựa trên những ràng buộc trách nhiệm. Chính vì thế mà nó bao gồm cả yêu đương lẫn sự tức giận, cải thiện chí lẫn ác ý, cả niềm tin và sự đau khổ. Cũng chính vì thế mà hậu quả của những sự kiện xảy ra trong quan hệ vợ chồng có liên quan đến người thứ ba, thường là con cái. Ý thức trách nhiệm là sự tự ý thức về trách nhiệm đối với cuộc sống và tình cảm của mình và của những người thân. Lảng tránh ý thức sẽ lấy đi sức mạnh hành động nhằm làm hài lòng cho cả hai người trong quan hệ vợ chồng.
Thử thách lớn đối với cặp vợ chồng vừa nêu là họ phải tự làm một “cuộc chạm trán” với chính mình để nhận diện con người đích thực của mình. Nhưng để làm được việc này, họ phải vứt bỏ suy nghĩ về sự cầu toàn, phải chấp nhận mọi thực tế rằng họ không nhất thiết phải là những người hoàn hảo trong mọi lĩnh vực. Trong thực tế, có thể không toàn diện nhưng vẫn được yêu và xứng đáng được hưởng tình yêu đích thực. Trước tiên mỗi người phải nhận ra bản thân mình, nhận ra cái con người mình, nhận ra cái con người từ trước đến nay vẫn bị che khuất bởi một bức màn nào đó.

Chỉ đến khi đó họ mới có thể chủ ra cho bạn đời thấy “cái tôi” mới mẻ của mình. Không chỉ dừng lại ở đó, người đàn ông cần từ bỏ kiểu sử dụng những miếng võ rẻ tiền nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu người phụ nữ, thay vào đó anh ta cần cố gắng nhận ra người vợ đích thực của mình. Nhận ra ở đây là nhận ra tình cảm, thân thể, đức tin, nhận ra tất cả những gì liên quan không chỉ đến những âu yếm đến tình dục mà liên quan đến mối liên hệ hàng ngày nói chung của hai người. Người vợ cần phải nói “không” với chồng trong những hoàn cảnh chị ta muốn nói. Và cần làm việc này một cách công khai, không giả vờ, không bị dằn vặt vì cảm giác tội lỗi hay e ngại, nhưng cũng không với thái độ hung hãn hoặc với mong muốn trả thù.
Cặp vợ chồng thứ hai, độ tuổi 38 và 41. Anh chồng ăn mặc tuy lịch sự, song hơi thụ động và có phần lạc hậu so với thời đại, đôi khi tỏ ra cục cằn và im lặng một cách khó hiểu. Chị vợ xinh đẹp, tính tình hoạt bát, thích nổi trội, nhưng hơi nghệ sĩ, thiếu ngăn nắp, nói nhanh và nói nhiều. Đối với cả hai người, cuộc hôn nhân hiện tại là một kiểu “rổ rá cạp lại”. Cuộc hôn nhân đầu kết thúc bằng ly hôn, cả hai đều có con riêng. Con gái chị 16 tuổi, ở với chị, tức là với cái gia đình hiện tại của họ.
1294806296-hon-200209.jpg

Và đừng để ly hôn...
Con gái anh, 20 tuổi, ở với mẹ, tức là vợ cũ của anh. Rồi họ cũng có hai đứa con chung đang ở độ tuổi cắp sách đến trường. Anh chồng lãnh đạo công ty, chị vợ giúp đỡ anh trong công việc. Lúc đầu, sau cuộc hôn nhân thứ nhất không thành, hai người rất say nhau. Họ nghĩ mọi chuyện sẽ khác trước. Cả hai đều có cảm giác họ gặp nhau lần này là do “ý tưởng lớn của cuộc đời gặp nhau”.

Gần đây ở cả hai phía đều xuất hiện những quan hệ mới và những tín hiệu mà cả hai thừa nhận là đáng lo ngại, (tất nhiên ai cũng cho rằng những quan hệ mới từ phía người kia mới đe dọa cuộc sống vợ chồng họ). Mỗi người đều muốn biết tại sao người kia không từ bỏ ngay mối quan hệ nguy hiểm ấy và ai cũng kiên quyết đòi phía bên kia phải chấm dứt trò chơi ấy. Rồi người nọ đổ lỗi cho người kia tố cáo nhau về chuyện không nêu tấm gương tốt cho con cái, cả con riêng lẫn con chung.

Trong suy nghĩ của vợ anh, chị đã giúp anh rất hiệu quả trong công việc, chỉ có điều là anh đã không đánh giá hết, giờ thì chị không thể làm gì được hơn vì chị còn phải gánh vác nhiều công việc gia đình. Còn anh (theo ý kiến của chi vợ), với tư cách người làm cha anh phải sắp xếp để có nhiều thời gian cho con cái. Chị ta (theo ý kiến anh không nên can thiệp sâu mỗi quan hệ giữa anh với đứa con gái cả của anh vì đơn giản là chị không có quyền…
Càng tiếp tục thống kê những điều hai bên đổ lên đầu nhau, người đọc càng cảm thấy nó khô khan và chán chường. Ai cũng giữ ý kiến riêng của mình theo kiểu: “Với tôi, mọi chuyện đều ổn cả, chuyện đó là do anh ta/cô ta!”. Có thể thấy rõ cuộc đấu tranh giữa hai người rất căng thẳng, thấy rõ người này đổ lỗi cho người kia, chẳng ai sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình, ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân, không nghe người kia nói, không thấy có một chút thông báo nào về những tình cảm khác ngoài sự phàn nàn, nỗi tức giận và mối lo ngại chung chung về sự đổ vỡ hôn nhân. Cảm nhận mơ hồ của cả hai người nói với họ rằng họ không còn xa cái lỗ hổng to tướng trên chiếc cầu họ đang đi. Chính vì vậy mà họ kêu cứu.
Lẽ ra ngay từ đầu hai người phải học cách chuyện trò với nhau. Muốn vậy họ nên có quá trình luyện tập kỹ năng người này phải lắng nghe xem bạn đời của mình nói gì và cố gắng nhắc lại điều nghe được bằng thứ ngôn ngữ riêng.
Cái gì là thử thách đối với cặp vợ chồng này? Có nhiều điều, song một thứ chúng ta biết chắc chắn là họ phải mở rộng các phương thức nhằm đạt tới sự hiểu biết lẫn nhau. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Còn phần chìm sâu dưới nước thì sao? Nhất thiết họ phải chấp nhận những điểm yếu của bản thân, nhận trách nhiệm về những tình cảm của mình (cùng với cách thức thể hiện chúng), suy nghĩ và hành động. Điều này có nghĩa là phải vứt bỏ mọi ảo tưởng rằng bằng tình cảm và hành động thực tế, mình có thể biến người kia trở thành người đầy tinh thần trách nhiệm.

Tiếp theo, phải loại bỏ nỗi lo rằng có thể mình sẽ kém cỏi hơn kẻ khác, rằng chắc chắn mình sẽ không thành đạt, loại bỏ sự lo ngại trước những lời trách móc. Chúng ta là những con người vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Vấn đề ở chỗ là phải làm sao sự khác nhau không được hiểu là “sự kém cỏi hơn”, mà được hiểu như là sự bổ sung vào làm giàu có thêm mối quan hệ giữa chúng ta.
Công việc tiếp theo với cặp vợ chồng này là phát triển bản thân mỗi người về mặt tình cảm, nhận thức và tinh thần. Cần phải chấp nhận sự khác nhau và sự phức tạp của những trải nghiệm cá nhân gồm những cái đã qua và những cái hiện đang tồn tại. Cần phải phát triển những khả năng tốt nhất của mình đồng thời nhận thức và thừa nhận mặt yếu, mặt đáng xấu hổ của bản thân. Dũng cảm thừa nhận cái thật sự quan trọng và chính đáng phải được đặt lên trên sự ích kỷ và lời thanh minh rẻ tiền.
Đôi vợ chồng đã ở tuổi xế trưa, một 50, một 48, hai đứa con đã trưởng thành nhưng anh con trai vẫn ở với bố mẹ. Người vợ chủ động đến gặp nhà tâm lý trị liệu kể về quan hệ vợ chồng mình. Thực ra họ sống mỗi người một nơi đã mấy năm nay vì ông chồng có công việc ổn định ở một thành phố khác. Phần lớn các kỳ nghỉ cuối tuần họ ở bên nhau, còn nghỉ phép thì luôn cùng nhau.

Bà vợ phải gặp chuyên gia tâm lý trị liệu vì bà tin chắc rằng trong cuộc sống của chồng bà gần đây đã xuất hiện người phụ nữ khác. Bà có đủ lý do đề nghị như vậy. Ngoài ra, theo ý kiến bà, rõ ràng ông bắt đầu giữ khoảng cách trong quan hệ vợ chồng nói riêng và quan hệ gia đình nói chung. Còn về sinh hoạt tình dục, lúc nào ông cũng không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà và ông làm việc này một cách tùy hứng. Điều này khiến bà lo ngại nên bà đi “bới lông tìm vết” trong thái độ thờ ơ lẫn trong cảm giác tội lỗi của ông.
Ông chồng đến gặp nhà tâm lý trị liệu sau vợ một thời gian. Sau những cuộc điều trị chung dành cho cả hai người, té ra cách nhìn sự việc của ông tương đối giống những gì vợ ông đã kể. Nhưng trong câu chuyện của ông có ít nhiều sự cay đắng, trách cứ vợ mình. Ông nói chuyện bà không những không ủng hộ ông trong nhiều vấn đề mà còn phê phán gay gắt, phản đối quyết liệt trong những lúc gia đình gặp khó khăn. Khi bị vợ hỏi thẳng về chuyện ngoại tình ở cơ quan, ông phủ nhận một cách yếu ớt. Khi bị hỏi dồn là tại sao quan hệ vợ chồng trong thực tế đang rất tồi tệ chứ không tốt đẹp như ông nghĩ, ông trả lời là vì ông quá mệt mỏi. Nhưng bà không tin. Ông phê phán nhẹ nhàng và trực tiếp đi vào vấn đề, bà đập lại ông cũng bằng những thứ vũ khí tương tự, nhưng với giọng độc địa hơn nhiều.
Thách thức lớn đối với ông chồng là phải tiếp xúc với nỗi tức giận và sự hiếu chiến của vợ mà ông không có cách nào tự vệ được. Thách thức lớn đối với bà vợ là bà sớm lo lắng, e ngại và thể hiện công khai các trạng thái tình cảm đó (trước khi chúng biến thành nỗi hoảng loạn và sự hung mãn). Cách nhìn nhận của từng người (bà vợ cho rằng thế giới này chẳng có gì tốt đẹp nên cần hết sức thận trọng), còn ông chồng nghĩ khác (trước hết bà phải là người tốt cái đã, bởi vì sự hằn học bao giờ cũng xúc phạm người khác) cũng khác nhau. Nhưng sự khác nhau giữa hai người nếu bổ sung cho nhau thì họ lại trở thành cần thiết cho nhau. Ông chông là “người tốt” nên có thể trở thành ốc đảo an toàn cho vợ trong cái thế giới “chẳng có gì tốt đẹp” như bà nghĩ. Còn bà giúp ông cảnh báo cái xấu. Đây là một hoàn cảnh điển hình để nhà tâm lý trị liệu tìm kiếm và phát hiện ra ở người thứ hai sự bổ sung cho người thứ nhất. Ông chồng có bà vợ là người phát ngôn về cái xấu xa của thế giới và của chồng. Còn bà vợ, thay vì chiến thắng nỗi sợ hãi về thế giới đáng sống, có thể tìm thấy ở ông chồng nơi nương tựa đáng tin cậy. Thêm vào đó, họ có những đứa con gần gũi với cả hai người.
Nhưng việc cả hai vợ chồng cùng đến gặp nhà tâm lý trị liệu không phải không dẫn đến khả năng chia tay. Bởi vì không thiếu trường hợp là sau khi nhận ra con người đích thực của mình trong cuộc sống vợ chồng, họ đau đớn phát hiện ra rằng giữa họ những cái chia rẽ nhiều hơn là những cái gắn kết. Khi đó có thể nói gì với cả hai người? Chỉ có thể nói rằng cái làm nên sự bền vững của một cặp vợ chồng chính là những giá trị chung, trong đó có giá trị của lời thề xây dựng hạnh phúc. Phải dũng cảm nói ra những khó khăn để hòa hợp nhau. Phải biết lắng nghe người thứ hai nói và phải đủ khả năng chấp nhận những cái thuộc về con người ấy. Tức là phải có nghệ thuận làm bạn.
Có một câu hỏi đặt ra là liệu có bài thuốc hữu hiệu cho quan hệ vợ chồng tốt đẹp? Phải chăng nếu chúng ta tránh được những sai lầm vừa nêu trên, chúng ta có quyền hy vọng vào sự bền vững của mỗi quan hệ mà chúng ta thiết lập? Không hoàn toàn như vậy. Các mối quan hệ vợ chồng nói riêng và các mối quan hệ con người với con người nói chung không phải là kết quả những phép tính số học, mà là kết quả sự cảm nhận mà tự nhiên trang bị cho con người. Chúng ta không thể lập trước một catalo cho những lĩnh vực cần phải huy động đến cảm nhận, cảm giác. Đơn giản là không có bài thuốc đặc hiệu.
Nhưng có một điều chắc chắn là để có cuộc hôn nhân tốt đẹp, mỗi người cần phải vươn lên theo hướng hoàn thiện không ngừng sự chín chắn của mình và phải tuyệt đối có trách nhiệm về những suy nghĩ, tình cảm và hành động của mình đối với bản thân và đối với người bạn đời. Phải giải quyết mâu thuẫn và hài hòa hai thái cực ở hai người, trong đó có hài hòa sự khác biệt được thể hiện qua “tôi” và “cô” để tạo ra cái “chúng ta” mà không ai phải chịu thiệt thòi.

Cũng cần phải có thước đo phù hợp cho những cái quan trọng và những cái ít quan trọng hơn. Vứt bỏ sự ích kỷ cá nhân vì bạn đời không cần đến sự hy sinh bản thân là việc làm không dễ dàng. Sự hình thành giá trị của quan hệ với vợ chồng và gia đình đòi hỏi nhiều thứ và đòi hỏi cao nên chúng ta không chỉ muốn mà còn phải biết tránh xa những cám dỗ, trong đó có cám dỗ dẫn đến phản bội. Hôn nhân và gia đình là lĩnh vực, trong đó sớm muộn gì cũng xuất hiện những vấn đề quan trọng, thậm chí là những bất hạnh. Nó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có lòng dũng cảm, sự cân nhắc kỹ càng, đôi khi sự chấp nhận và hy sinh. Hôn nhân, cái chiếm phần lớn cuộc đời chúng ta, thực tế là nghệ thuật sống.
Nhà thơ, nhà triết học Li-băng, Khalil Gibran, có suy nghĩ về hôn nhân đáng để mọi người tham khảo: “Vợ chồng là những bông hoa trên cùng một cành hoa. Các bạn hãy yêu nhau say đắm, song đừng biến tình yêu thành một thứ xiềng xích. Mặc dù hai chiếc ly đều được rót tràn đầy rượu, song các bạn đừng uống chung một ly. Các bạn hãy hát hò, hãy khiêu vũ cùng nhau, nhưng các bạn phải giữ cho mình luôn là mình, giống như các sợi dây đàn trên một cây đàn, mặc dù cùng chơi một gia điệu, song mỗi sợi rung lên theo một cung bậc khác nhau. Các bạn hãy dành cho nhau trái tim, nhưng các bạn đừng là đích cuối cùng của nhau, bởi vì chỉ có bản thân cuộc sống mới có thể thỏa mãn sự khát khao của trái tim. Các bạn hãy đứng cạnh nhau, nhưng đừng đứng quá gần, hãy đứng như cây sồi và cây bách, để cây nọ không nấp bóng cây kia”.




Theo tri thức trẻ
 
Back
Top