Khổ vì vợ nghiện ... Google

tuyet_loan08

Junior Member
Cần gì là Hoa cứ vào Google để tìm kiếm. Thèm một món ăn, vào Google; muốn chế biến món ăn nào, Google; đau lưng, tức bụng, vào Google gõ triệu chứng để tìm bệnh.
Trước nay, nhắc đến internet thì hầu hết các bà vợ đều than phiền về "cơn nghiện" của các ông chồng. Bây giờ xem ra thời thế đã thay đổi. Anh Hùng than: "Vợ tôi coi internet như “chiếc đũa thần”, cái gì bả cũng vào internet và cuồng tín với những thông tin trên đó. Cần một món ăn ngon, bả vào mạng; mua một món hàng, vào mạng; thậm chí xem phong thủy và cả xem... bói mỗi ngày cũng đều ôm máy tính. Riết rồi những gì người thân, bạn bè, thậm chí tôi nói, chỉ dẫn, bả cũng không thèm nghe".
Trên mạng hiện nay, qua các dịch vụ tra cứu trực tuyến, chỉ cần gõ vài từ, ngay lập tức sẽ có hàng núi thông tin hiện ra. Không những vợ anh Hùng, Nguyễn Thị Kim Hoa - nhân viên tư vấn luật làm việc tại TP.HCM cũng là một "tín đồ" của các công cụ này. Cần gì là Hoa cứ vào Google để tìm kiếm. Thèm một món ăn, vào Google; muốn chế biến món ăn nào, Google; đau lưng, tức bụng, vào Google gõ triệu chứng để tìm bệnh. Hẹn bạn bè đi ăn, bạn bè hỏi tên quán, cô cũng chỉ reply lại tin nhắn “hãy vào Google”. Riết rồi, bạn bè phong cho cô biệt danh "Hoa Google" luôn.
Có lẽ vì những lý do “chính đáng” đó mà các bà nội trợ hiện nay nối mạng internet còn thường xuyên hơn các ông. Lê Huân (ngụ ở TP Phan Thiết, Bình Thuận) kể: "Bà xã mình vừa sinh em bé, vì không ai chăm sóc bé nên nghỉ ở nhà. Mình sắm cho vợ máy tính nối mạng. Vậy là từ đó, vợ mình xem máy tính như người bạn tri kỷ. Những kiến thức chăm sóc con vợ mình đều vào Google tìm. Thế là, những kinh nghiệm nuôi con mà bà ngoại, bà nội truyền lại, vợ bỏ qua hết, chỉ tin internet thôi”.

aFamilyvonghien.jpg

Cũng vì vợ quá cuồng tín internet nên vợ chồng anh Hùng nhiều lần cãi nhau. Anh kể: “Bữa muốn đi ăn lẩu, dù mình đã biết quán nằm ở đường Trần Hưng Đạo, Q.5, nhưng bả khăng khăng rằng ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận cũng có, thậm chí ngon hơn nhiều, nổi tiếng trên net lắm. Chiều vợ, bọn mình đèo nhau đến thì hỡi ôi, quán đóng cửa từ đời nào. Lặn lội từ Thủ Đức lên tới đó, đói meo, còn bị lừa, tức, muốn “nhằn” bả lắm mà chỉ biết cười... ứa nước mắt”. Còn Hoa cho biết: “Thèm ăn cá rô đồng, tìm trên net, thấy quảng cáo rùm beng trên con hẻm đường Võ Văn Tần, Q.3 có bán. Tan sở mình mò đến. Đúng là có bán thiệt nhưng vì bán trong hẻm, xe đông, nước cá lênh láng, dù dơ mình cũng nhào vô mua; đang lui cui mua, quên gạt chống, té xe, ướt mem, dơ quần áo; chưa hết, vì dừng xe trên lề đường nên bị công an phạt. Đã vậy, về đến nhà, mẹ mình còn cười mỉa bảo, cá rô nuôi chứ đồng đâu mà đồng. Sau lần đó, mình tởn luôn với quảng cáo trên mạng!”.
Bác sĩ Ngô Thanh Sơn, có phòng mạch trên đường Tô Hiến Thành thì tâm sự: "Có nhiều bà dù đã đến mình khám bệnh nhưng vẫn cứ “lăn tăn”. Có lần mình khám, xác định cô T. bị bệnh trào ngược dạ dày. Vậy mà cô ấy không tin, còn cự nự: “Em tìm hiểu trên mạng, những triệu chứng của em là bị loét dạ dày, có trang còn nói em có nguy cơ bị ung thư dạ dày, bác sĩ kiểm tra kỹ giùm”. Mình mần cho cô T. một lèo, và hỏi: “Giờ cô tin ai, bác sĩ hay mấy cái bài viết trên net của cô?”, cô ấy mới làm thinh, còn tin mình hay không thì trời biết!".
Không ai phủ nhận tiện ích của internet. Tuy nhiên, trong một mớ thông tin thật giả lẫn lộn đồ sộ đó, không dễ tìm được thông tin đáng tin cậy, nhất là với những lĩnh vực người đọc không am hiểu. Vì vậy, đừng quá phụ thuộc vào internet hay "thần thánh hóa" nó.


(Theo XinhXinh)
 
Back
Top