Khi buồng trứng "đòi nghỉ hưu"

thanhlinh

Junior Member
Trong cơ thể người phụ nữ, bộ phận có "hạn sử dụng" ngắn nhất có lẽ là... buồng trứng. Trong khi các cơ quan khác như: tim, phổi, gan, thận, xương khớp... phải bắt đầu làm việc từ lúc còn trong bào thai, thì hệ sinh dục được tạo hóa ưu tiên cho... "ngủ ngon" suốt mười mấy năm trời.


Nó chỉ "vươn vai trở dậy" vào tuổi dậy thì để giúp bé gái trở thành phụ nữ, tham gia hình thành từ ngoại hình mềm mại, vẻ dịu dàng tỉ mỉ, cho đến chức năng sinh sản. Dù bắt đầu "làm việc" muộn nhất, nhưng buồng trứng lại là bộ phận "nộp đơn xin nghỉ hưu" sớm nhất.
Trong cái giai đoạn "nhùng nhằng" chờ "lãnh đạo duyệt đơn", "cô nàng õng ẹo" này lại làm việc cầm chừng theo kiểu... lãnh công, gây ra đủ thứ khó khăn cho cơ thể, như tính tình thay đổi, những cơn bốc hỏa nóng phừng, mệt mỏi, khó chịu, nhức đầu chóng mặt, lão hóa da tóc, loãng xương, viêm khớp, tăng cân, và cả những vấn đề sức khỏe như tim mạch, huyết áp, chuyển hóa...
Dù vậy, "không có mợ thì chợ cũng đông", cơ thể vẫn phải tiếp tục những vòng xoay sinh lý của nó khi không có sự hiện diện của buồng trứng. Đương nhiên, để thích nghi với sự "thay đổi nhân sự" này, sẽ phải có ít nhiều chỉnh sửa trong công việc "điều hành" cơ thể.
Đầu tiên là nhu cầu năng lượng chúng sẽ giảm đi. Sau khi buồng trứng "nghỉ hưu", các cơ quan khác trong cơ thể cũng tự nhiên nhận ra mình đã làm việc... đủ rồi và có khuynh hướng giảm hoạt động. Hoạt động giảm đương nhiên sẽ cần ít năng lượng hơn, vì vậy khẩu phần ăn của phụ nữ bắt đầu phải giảm số lượng từ giai đoạn tiền mãn kinh.
Chất béo và các dạng đường tinh chế, bao gồm bột và đường kính, là những chất dinh dưỡng cần cắt giảm trong bữa ăn hàng ngày, chỉ cần 70% so với trước đó. Dù nhu cầu năng lượng giảm, nhưng nhu cầu về các chất dinh dưỡng qúy như vitamine, chất khoáng, axit amin thiết yếu, chất chống oxy hóa... lại tăng lên, tức là bữa ăn giảm lượng nhưng phải tăng chất, đồng thời những chất dinh dưỡng cần được chọn lọc kỹ hơn.
Thực đơn và luyện tập
Ở giai đoạn này, phụ nữ nên chia các bữa ăn ra làm nhiều bữa nhỏ, trung bình khoảng 3g có một bữa ăn, bữa chính xen kẽ với bữa phụ. Bữa ăn cuối trong này không nên trễ hơn 7h tối, nhất là với những người có thói quen đi ngủ sớm.

Thành phần bữa ăn nên giảm chất béo tối đa, tức là tránh ăn nhiều các món ăn chiên, quay, xối mỡ, lăn bột... ưu tiên chọn những chất béo tốt cho cơ thể như dầu thực vật, mỡ cá, tránh mỡ động vật, da, lòng, bơ thực vật...
Lượng chất đạm trong bữa ăn vẫn có thể duy trì ở mức 100g thức ăn giàu đạm mỗi ngày, nhưng ưu tiên chọn các loại "thịt trắng" như đậu hũ, cá, thịt gà, vịt nạc... giảm bớt thịt heo, bò, hải sản tôm cua sò ốc... Tăng rau xanh, trái cây tươi và thay một phần cơm trắng bằng ngũ cốc thô như khoai củ, miến dong, bún...
Mỗi tuần, nên có một ngày "ăn chay", tức là không ăn chất đạm, chất béo, ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc thô, uống nhiều nước lọc, nước trà loãng để cơ thể thải bỏ các chất chuyển hóa và để các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi. Sữa là một thực phẩm không thể thiếu, mỗi ngày cần uống tối thiểu 500ml sữa không đường.
Tập luyện và vận động rất cần thiết để duy trì sự dẻo dai, năng động và hạn chế các nhược điểm về sức khỏe của giai đoạn này của phụ nữ. Các môn vận động phù hợp là đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ, đánh cầu lông... Một số người quen chơi các môn thể thao mạnh như bơi lội, tennis... cũng có thể tiếp tục duy trì.
Tập luyện cũng giúp làm giảm tâm lý căng thẳng, stress, bực dọc... do sự thay đổi nội tiết tố. Thu xếp để có thời gian thư giãn, nghe nhạc, xem sách, đi du lịch, họp mặt bạn bè... là những sinh hoạt có tác dụng điều hòa hoạt động của hệ thần kinh, giúp cơ thể quen dần với những ngày đầu tiên buồng trứng ngưng làm việc.

Theo Th.S Đào Thị Yến Phi, PN/ TTO
 
Back
Top