Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh

thanhlinh

Junior Member
Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là một bệnh lý đặc biệt, là sự di chuyển của nội mạc tử cung đến một nơi khác ngoài buồng tử cung.
Ở đó nội mạc tử cung tiếp tục chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục, phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt.
Đây là một bệnh lý khá phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 2% phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Bệnh thường tiến triển âm thầm, có thể trong nhiều năm gây hậu quả tai hại, nhất là vô sinh.
Vì sao dẫn đến hiện tượng LNMTC?
Cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ ràng về cơ chế bệnh sinh của LNMTC. Có 3 giả thuyết về nguyên nhân của LNMTC được đưa ra, tuy nhiên chưa có giả thuyết nào thật sự thuyết phục. Đó là hiện tượng hành kinh ngược chiều, máu trào ngược qua vòi tử cung vào ổ bụng. Các tổ chức nội mạc sẽ bám vào các cơ quan trong ổ bụng và tiếp tục phát triển gây bệnh (đây là giả thuyết được nhiều người chấp nhận); Dị sản tế bào do các tế bào phôi còn tồn tại biệt hóa thành tổ chức của ống Muller; Do tắc nghẽn bạch mạch hay nghẽn mạch khi di chuyển. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh của LNMTC như đặt vòng, tắc nghẽn đường sinh dục bẩm sinh....
Đặc điểm của LNMTC
Bệnh thường gặp ở người trẻ, người bệnh thường than phiền đau vào lúc trước và trong khi hành kinh, giao hợp đau, đau vùng bụng dưới...
Nhiều khi vô sinh là nguyên nhân đến khám của bệnh nhân và phát hiện ra LNMTC. Khám lâm sàng có thể thấy các triệu chứng không đặc hiệu, tuy nhiên có thể nghĩ đến LNMTC khi thấy tử cung đổ sau, ít di động, có thể thấy các nhân nhỏ ở cùng đồ sau.
Trong một số ít trường hợp LNMTC ở buồng trứng dạng nang, có thể thấy khối căng cạnh tử cung, ít di động. Siêu âm là một phương pháp quan trọng giúp chẩn đoán, có thể thấy các nang nhỏ có âm vang rải rác. Đôi khi có thể là một hay một vài nang lớn, vỏ mỏng, chứa tổ chức tăng âm. Chụp buồng tử cung có thể thấy tử cung thay đổi tư thế, tắc vòi trứng... Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán LNMTC là soi ổ bụng.
Liên quan giữa LNMTC và vô sinh
Trong số các phụ nữ bị vô sinh, có tới 30-50% có tổn thương LNMTC. Cơ chế gây vô sinh của LNMTC là do: Biến dạng các tổ chức vùng chậu gây dính, co kéo, ảnh hưởng đến chức năng vòi trứng, buồng trứng, tử cung.
Cơ chế miễn dịch tế bào làm tăng số lượng đại thực bào, tế bào lympho trong dịch ổ bụng, tăng khả năng thực bào của các tế bào này, tinh trùng có thể bị thực bào, gây độc cho giao tử, ảnh hưởng đến sự di chuyển của giao tử, sự thụ tinh, làm tổ của phôi. Rối loạn chức năng nội tiết cơ thể: nang noãn hoàng thể sớm, rối loạn giai đoạn hoàng thể. Cơ chế miễn dịch dịch thể: Kháng thể tự miễn làm ảnh hưởng đến sự thụ tinh và làm tổ của phôi, gây sảy thai sớm.
Điều trị LNMTC bằng cách nào?
Điều trị cần tuân thủ 2 nguyên tắc là phá hủy hết tổn thương LNMTC và tái thiết lại cấu trúc giải phẫu bình thường.Điều trị nội khoa được chỉ định cho những bệnh nhân có triệu chứng hành kinh đau, đau bụng hạ vị, vô sinh, hay để hỗ trợ cho điều trị ngoại khoa trước và sau phẫu thuật. Hiện có nhiều thuốc điều trị tuy nhiên cần thận trọng vì có nhiều tác dụng phụ đi kèm như làm nam hóa, loãng xương, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn đông máu...
Với sự ra đời của phẫu thuật nội soi, điều trị ngoại khoa trong LNMTC đã có những bước tiến mới. Phẫu thuật nội soi cho phép gỡ dính, phá hủy các tổn thương, bóc tách hay cắt bỏ u nang LNMTC, tạo hình vòi trứng, đốt điện lưỡng cực hay đốt laser để phá hủy các tổn thương. Trong các trường hợp LNMTC nặng, có thể phải cắt buồng trứng, cắt dây chằng tử cung - cùng, thậm chí cắt tử cung. Chỉ định điều trị ngoại khoa trong LNMTC thường là khối LNMTC ở buồng trứng; dính nặng; LNMTC sâu; LNMTC độ III, IV.
Tóm lại, LNMTC là một bệnh phổ biến thường gặp ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ, nguyên nhân còn chưa rõ ràng, liên quan mật thiết đến vô sinh - hiếm muộn. Vì vậy chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, triệt để sẽ giúp cải thiện đáng kể tương lai sinh sản của người bệnh, tiết kiệm một phần không nhỏ chi phí chăm sóc y tế, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Theo ThS. Nguyễn Cảnh Chương (Đại học Y Hà Nội)

Sức khỏe & Đời sống
 
Back
Top