Lấy chồng mà cũng phải học sao?

Jolie

Member
Tôi đã tự hỏi câu ấy cách đây hơn 30 năm, lần đầu tiên được ông ngoại – một bác sĩ khá nổi tiếng thời ấy – dẫn vào ngồi học trong lớp tiền hôn nhân.
Cách đây hơn 30 năm, lần đầu tiên được ông ngoại – một bác sĩ khá nổi tiếng thời ấy – dẫn vào ngồi học trong lớp “giáo lý hôn nhân” (một dạng chương trình hướng dẫn tiền hôn nhân), tôi đã ngán ngẩm nghĩ: lấy chồng mà cũng phải học sao? Thế là tôi ngồi chứ không thèm học. Để đến 12 năm sau, khi bước vào cuộc sống hôn nhân thật sự, tôi vô cùng bỡ ngỡ, thậm chí hoảng hốt vì biết từ nay mình trở thành một người lèo lái gia đình đúng nghĩa nhưng hoàn toàn không biết phải thực hiện vai trò ấy thế nào. Càng khó hơn khi trong một nhà có hai quốc tịch, đại diện cho hai nền văn hóa khác nhau. Rồi một trong số ba con tôi bị bại não, phải quay cuồng tìm cách chạy chữa cho con.Bước vào chuyến viễn du hôn nhân chỉ với mớ hành trang còm cõi là bản năng, rạn nứt xảy ra trong gia đình gần như một lẽ đương nhiên và những vết rạn của cuộc sống chung cứ ngày càng lớn lên. May sao và cũng đúng lúc làm sao, một người bạn lớn hơn tôi gần 10 tuổi bỏ nhỏ với tôi: “Phá dễ lắm, xây mới khó, đừng vênh mặt lên để rồi đến lúc ngồi mà ước thời gian lùi trở lại". Khổ một điều là tôi không hề biết mình sai chỗ nào. Đã có những khoảnh khắc kinh khủng đến mức các con tôi cứ thấy tôi từ xa là… né. Con còn né, huống chi chồng! Không khí gia đình lúc nào cũng như núi lửa sắp phun trào, mà tôi thì không biết làm cách nào để “giảm nhiệt”.
5internet2.jpg

Lần thứ hai tôi lại gặp may: một người bạn khác rủ “có lớp dạy về các giá trị sống hay lắm”. Tôi hăm hở tìm học ngay. Ngồi trong lớp nghe giảng thì hay thật, thấy nhẹ lòng lắm, nhưng rời lớp về nhà thì đâu lại hoàn đấy, thấy mình toàn nói đúng mà sao chồng con chẳng chịu nghe, còn lăm le “đảo chính”. Nghĩ thiện chí của mình bị chà đạp, tôi càng kỳ cục hơn xưa, cho rằng mọi chuyện là do chồng làm mình buồn, con làm mình tức nên mình mới khó chịu thế. Trong cảm xúc thường trực của tôi lúc ấy, chồng không chỉ là một cái áo không phù hợp, mà còn bị lấm lem, sút chỉ.
Rồi lần may mắn thứ ba cũng đến - mà theo quy luật “bất quá tam” thì có lẽ đây là lần gặp may cuối cùng của tôi - một người bạn khác rỉ tai: “Đời chỉ thay đổi khi mình thay đổi. Học để thay đổi giống như học võ thuật vậy, thầy ở lớp chỉ dạy động tác, về nhà mình phải tự luyện tập mới có nội công. Đâu có thầy nào luyện giùm mình được”. Thảo nào! Học rằng: mỗi người mỗi khác, không ai suy nghĩ giống ai, nhưng khi chồng con làm gì không như mình muốn là vẫn sẵn sàng xét nét, trách móc. Học rằng: giận hờn, cáu gắt không đem lại điều gì tốt lành mà chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn, nhưng khi gặp chuyện vẫn cáu như điên, vẫn tủi thân mất ngủ cả tuần nếu nghe phải những lời không như ý của chồng. Tôi giật mình nhận ra: mình tự quản lý cái đầu - ý nghĩ của mình còn chưa xong, mà đòi quản lý cái đầu - ý nghĩ của chồng con, muốn họ nghĩ như mình, làm theo ý mình. Tôi lại chính là người hứng chịu hậu quả những cơn giận hờn cáu gắt của bản thân: nhức đầu, mất ngủ, tụt huyết áp, cảm sốt thường xuyên, cùng đủ thứ bệnh không tên. Rõ ràng, tôi đã tự đầu độc mình!
Vỡ ra vấn đề, tôi cấp tốc thay đổi bản thân mình, bớt tự đầu độc để bớt bị ngộ độc. Gần hai năm sau, kiểm điểm lại, những cơn bệnh không tên biến mất. Chẳng biết vì tôi nói đúng hơn, hay vì tôi không còn kỳ vọng người thân luôn phải tuân lệnh mình, mà bỗng nhiên chồng con trở nên ngoan lạ thường! Tôi ngộ ra điều quan trọng nhất: chồng con không phải là những đồ vật để tôi sở hữu. Đó là những người bạn đồng hành với tôi trên chuyến xe cuộc đời và sẽ đi cùng tôi đến trạm cuối, nếu như cuộc đồng hành ấy thuận hòa, vui vẻ. Từ giây phút tôi đối xử với chồng con như bạn quý thì “quý vị” ấy cũng nhiệt tình làm mọi thứ cho tôi được vui lòng. Tôi đã thay đổi đời tôi như thế đấy.

Theo PNO
 
Back
Top