Sự ra đi đột ngột của bà có lẽ chỉ có ông Hải người bạn già của bà biết rõ nhất. Nhưng cả làng lại không thấy có mặt ông trong lễ đưa tiễn bà, khi mọi người đưa tang qua ngõ chỉ thấy ông đứng lặng thinh, khoanh tay trước ngực như ông đang chào tiễn biệt bà về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ba người con của bà nhìn thấy ông chúng như gào khóc to hơn, mọi người thì chẳng biết nhưng với ông nó là lời nhận lỗi, là nỗi ân hận bởi chính chúng đã lăng mạ ông ngay trước mặt bà trong một buổi chiều mà ông bà đang ngồi chơi trước sân:
- Ông có thiếu đất cho thằng con trai thì ông cứ nói với chúng tôi đây này, ông đừng có làm cái trò tán tỉnh, gạ gẫm mẹ tôi; Với lại ông bà cũng sắp xuống lỗ rồi tấp tểnh để làng xóm người ta cười cho. Bà Hoà lặng lẽ ra sau nhà vớ cây gậy và chỉ loáng bà đã vung gậy giáng tới tấp vào ba đứa con. Nhưng ông Hải giữ được gậy, ông cười vui:
- Bà cứ để các cô các cậu ấy nói cho hả nỗi ngờ vực. Tôi chẳng giận làm gì, với lại người ta thường nói đối đáp lại với người không biết thì mình cũng không bằng họ; Cho nên bà chẳng phải suy nghĩ; Các con bà nói gì gì đi nữa thì tôi với bà vẫn là những người bạn già của nhau cơ mà.
Ông Hải đã ở tuổi 65, tuy vợ chết đã lâu, ông chỉ có anh con trai duy nhất đang là sĩ quan quân đội. ông nghỉ hưu về sống ở ngay mảnh đất, căn nhà của mình. Cùng là trang lứa với bà Hoà một người phụ nữ đoan trang chồng chết từ năm 31 tuổi, bà vẫn lặng lẽ nuôi con khôn lớn trưởng thành. Bà dựng vợ, gả chồng cho chúng ngay ở nơi công tác. Bà sống một mình, cách đây vài ba năm ông Hải về, nhà liền vườn nên hai ông bà già thường qua lại thăm nhau. Bát canh mướp, quả chuối vườn rồi bát cháo, nắm lá ngải khi mạnh khoẻ, lúc yếu đau hai người chăm sóc nhau vô tư theo nghĩa của người già. Một vài ông bà thấy thế nói vui:
- Thôi ông lão, bà lão gần nhau nấu cơm chung mà ăn cho đỡ bận hay các lão thương nhau thì dồn nhà, dồn vườn về sống với nhau càng tốt. - Nói vui như vậy chứ ai chẳng biết bà là người phụ nữ biết sống vì con. Vì vậy từ khi chồng chết dù có một vài người đàn ông đến hỏi bà đều từ chối. Còn bây giờ đã ở tuổi xa làng gần nghĩa trang rồi làm sao còn tìm ở bà cái chuyện lấy chồng.
Thế nhưng những đứa con của bà đâu có hiểu như thế, chẳng biết ai mớm lời: nhà ông Hải chỉ có một bước vườn, ông lợi dụng lấy bà để chiếm cứ vườn đất cho thằng con trai và chúng đã làm cái điều tồi tệ mà bà tưởng như mình phải chui xuống đất cũng không dám nhìn ông nữa.
Ông Hải không thèm để ý thái độ của lũ con bà Hòa, ông vẫn qua lại chơi bời với bà vui vẻ. Nhưng bà thì không thể vui được, bà xấu hổ với ông. Bà vất vả vì chúng và cho đến giờ cũng tự làm nuôi mình, vậy mà chúng dám xúc phạm danh dự của bà chỉ vì miếng đất, cái nhà bẹp vậy thì còn hy vọng gì nhờ chúng đây. Bao lần bà lựa lời xin lỗi ông về chuyện con cái hỗn láo nhưng ông cứ cười gạt đi khiến cho bà như lúc nào cũng mang cái lỗi với ông bạn già hàng xóm chân thành và tốt bụng.
Thế rồi buổi trưa hôm rầy bà bị cảm nằm gục ngay trên ruộng lúa nhà ông Hải, mấy đứa con của bà về nghe chuyện càng tin rằng mẹ mình có chuyện với ông chứ đâu nó biết bà đi thăm lúa nhà mình về đến đây thì bị cảm. Chúng mát mẻ:
- Có dễ lần này bà khoẻ ông bà ở với nhau cho tiện chăm sóc. - Bà vùng ngay dậy: - Các anh chị xéo khỏi nhà tôi, tôi là mẹ các anh các chị chứ không phải con đĩ già như các anh các chị tưởng đâu.
Như ngọn đèn tàn bùng lên sau một cơn gió mạnh bà như khoẻ nhanh hơn,vui vẻ đến thăm mọi người thân rồi sáng hôm sau bà đi chợ mua thuốc lá, trà, trầu cau xếp đầy thùng, buổi chiều bà tắm gội sạch sẽ rồi ngồi cắm cúi bên trang giấy “ông Hải, ông nhận lấy cái lạy tạ lỗi của tôi vì tôi không dạy được con đã để chúng nó xúc phạm đến ông. Khi tôi qua đời, một triệu đồng này nhờ hội người cao tuổi mua giúp tôi cỗ quan tài, còn tất cả vải khâm liệm, trầu cau chè thuốc tôi đã mua sẵn để cảm ơn tấm lòng của bà con đã đến đưa tiễn tôi, trách hờn và cả chửi bới tôi nữa...”
Bà Hoà ra đi lặng lẽ, khi các con bà về ông đưa mảnh giấy ghi lại những lời cuối cùng của bà cho chúng. Chúng quỳ trước mặt ông tạ tội và xin được lo phần cuối cùng cho mẹ. ông thắp cho bà nén hương và trao tiền cho chúng. ông mon cuộc đời chúng đừng phải chịu cảnh “Giọt trước nhỏ đâu, giọt sau nhỏ đấy” như chúng đã làm với mẹ đẻ của mình.
Báo Giáo dục & thời đại