“Lấy nhau ba bốn năm rồi, tự dưng anh giở chứng là sao? Hay anh thấy em làm ít tiền hơn anh nên tính toán thiệt hơn? Hỏi thật, anh định lập phòng nhì đấy hả? Nói rõ ra đi...”.
Những lời đay nghiến của vợ làm Tuệ ù tai, rối trí. Vốn tính điềm đạm và không quen ăn miếng trả miếng với vợ, Tuệ chỉ nhăn mặt kêu khổ.
Số là từ trước khi lấy nhau, Tâm đã “họp bàn về vấn đề tài chính gia đình” và Tuệ gật đầu đồng ý mọi “điều khoản” mà cô vợ tương lai đưa ra. Nào là nộp lương đúng ngày, giữ lại bao nhiêu, tiêu vào việc gì, tiền chung để làm gì, tiền lo nội ngoại thế nào... Điều khoản chi li đến mức, nếu không gật đầu cái rụp thì còn lâu Tuệ mới được Tâm đồng ý “theo chàng về dinh”.
Thời gian đầu Tuệ không thấy có vấn đề gì phức tạp, cứ “lương đưa đủ tối ngủ nhà” là được. Hơn nữa anh còn thấy “khỏe” vì không còn phải lo chuyện chi tiêu cho gạo gas mắm muối hằng ngày mà trước đây còn độc thân anh cứ quên trước quên sau. Phần vợ cho giữ lại tiêu cũng đủ cả tiền cà phê thuốc lá, mà Tuệ lại không phải dân nhậu nên cũng tạm ổn. Tâm vốn là con gái cả trong gia đình năm chị em, lại có chuyên môn kế toán ở công ty, nên rất vén khéo.
Từ việc chi tiêu trong gia đình đến việc mua sắm đồ đạc, vật dụng, cô tính toán chi li, mua sao cho có lợi nhất. Nhớ hồi mới cưới, thấy vợ giặt tay vất vả, Tuệ đề nghị mua máy giặt. Tâm gạt đi, mình còn đang trả nợ tiền nhà, và phải đợi đến dịp lễ 2.9 (tức là còn khoảng 4, 5 tháng nữa) mua mới có khuyến mãi. Đi chợ với vợ, Tuệ sốt ruột vì Tâm trả giá, kỳ kèo, mua thì chê ỉ chê ôi, đến khi đem về mới hỉ hả khen đồ mình mua thật đáng giá. Lâu lâu Tâm lại khoe chồng: Mình đã trả hết nợ món này món kia, mình có sổ tiết kiệm 10 triệu, 20 triệu... Tuệ cũng vui và ngạc nhiên, thấy vợ thật giỏi.
Nhưng cỗ máy tài chính gia đình tưởng vận hành trơn tru dần dần vấp phải những… cục đá. Vài lần Tuệ đề nghị đưa đám bạn học cũ hay đồng nghiệp thân thiết về nhà làm một bữa cho vui đều bị vợ từ chối thẳng thừng. Tiền đâu, nhà mình nào có khoản tiền dành để tiếp khách trời ơi đất hỡi như vậy? Thỉnh thoảng, vốn là dân mê công nghệ thông tin, Tuệ muốn sắm sanh vài thứ hay hay, mới mới cho mình cũng bị vợ bắt chờ... xếp lịch, đến khi được mua thì “nguội” cả! Thêm nữa, giá cả quán xá thì tăng vùn vụt mà khoản tiền mỗi tháng vợ đưa vẫn y nguyên, nên Tuệ khá lúng túng khi cần chi những khoản ngoài kế hoạch một chút. Nói với Tâm thì cô cũng đưa tiền thêm, nhưng lại phải trình bày rõ ràng, có khi phải “phản biện” như báo cáo đề án với sếp mới được duyệt chi!
Có lúc muốn “đột phá”, mua cho cô em gái cái máy vi tính hay biếu ba mẹ hộp sâm, Tuệ cũng chỉ nghĩ vậy rồi... thôi. Nói ra, Tâm sẽ không từ chối, nhưng thế nào cô cũng tính toán, xem đợi lúc nào mới mua. Chẳng hạn cái máy vi tính thì đợi em gái Tuệ thi đậu đại học đã, còn hộp sâm thì chờ đến dịp kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, chứ không bao giờ Tâm chấp nhận “đang yên đang lành” mà anh tặng nọ tặng kia để “ai cũng tưởng mình giàu”, “thành cái lệ không hay”... Trong khi đó, Tuệ vừa được thăng chức, tăng lương, Tâm cũng đã khoe đến cái sổ tiết kiệm “to” hơn.
Đề nghị “chỉ đưa đầy đủ lương, còn các khoản khác anh giữ tự chi, dư sẽ đưa em” của Tuệ bị vợ bác bỏ thẳng thừng, coi là “giở chứng”. Chẳng lẽ lại bắt chước mấy ông bạn, giấu biệt một vài khoản, Tuệ nghĩ. Không biết khi đó Tâm sẽ căng thẳng với chồng cỡ nào...
Theo Thanh Niên
Những lời đay nghiến của vợ làm Tuệ ù tai, rối trí. Vốn tính điềm đạm và không quen ăn miếng trả miếng với vợ, Tuệ chỉ nhăn mặt kêu khổ.
Số là từ trước khi lấy nhau, Tâm đã “họp bàn về vấn đề tài chính gia đình” và Tuệ gật đầu đồng ý mọi “điều khoản” mà cô vợ tương lai đưa ra. Nào là nộp lương đúng ngày, giữ lại bao nhiêu, tiêu vào việc gì, tiền chung để làm gì, tiền lo nội ngoại thế nào... Điều khoản chi li đến mức, nếu không gật đầu cái rụp thì còn lâu Tuệ mới được Tâm đồng ý “theo chàng về dinh”.
Thời gian đầu Tuệ không thấy có vấn đề gì phức tạp, cứ “lương đưa đủ tối ngủ nhà” là được. Hơn nữa anh còn thấy “khỏe” vì không còn phải lo chuyện chi tiêu cho gạo gas mắm muối hằng ngày mà trước đây còn độc thân anh cứ quên trước quên sau. Phần vợ cho giữ lại tiêu cũng đủ cả tiền cà phê thuốc lá, mà Tuệ lại không phải dân nhậu nên cũng tạm ổn. Tâm vốn là con gái cả trong gia đình năm chị em, lại có chuyên môn kế toán ở công ty, nên rất vén khéo.
Từ việc chi tiêu trong gia đình đến việc mua sắm đồ đạc, vật dụng, cô tính toán chi li, mua sao cho có lợi nhất. Nhớ hồi mới cưới, thấy vợ giặt tay vất vả, Tuệ đề nghị mua máy giặt. Tâm gạt đi, mình còn đang trả nợ tiền nhà, và phải đợi đến dịp lễ 2.9 (tức là còn khoảng 4, 5 tháng nữa) mua mới có khuyến mãi. Đi chợ với vợ, Tuệ sốt ruột vì Tâm trả giá, kỳ kèo, mua thì chê ỉ chê ôi, đến khi đem về mới hỉ hả khen đồ mình mua thật đáng giá. Lâu lâu Tâm lại khoe chồng: Mình đã trả hết nợ món này món kia, mình có sổ tiết kiệm 10 triệu, 20 triệu... Tuệ cũng vui và ngạc nhiên, thấy vợ thật giỏi.
Nhưng cỗ máy tài chính gia đình tưởng vận hành trơn tru dần dần vấp phải những… cục đá. Vài lần Tuệ đề nghị đưa đám bạn học cũ hay đồng nghiệp thân thiết về nhà làm một bữa cho vui đều bị vợ từ chối thẳng thừng. Tiền đâu, nhà mình nào có khoản tiền dành để tiếp khách trời ơi đất hỡi như vậy? Thỉnh thoảng, vốn là dân mê công nghệ thông tin, Tuệ muốn sắm sanh vài thứ hay hay, mới mới cho mình cũng bị vợ bắt chờ... xếp lịch, đến khi được mua thì “nguội” cả! Thêm nữa, giá cả quán xá thì tăng vùn vụt mà khoản tiền mỗi tháng vợ đưa vẫn y nguyên, nên Tuệ khá lúng túng khi cần chi những khoản ngoài kế hoạch một chút. Nói với Tâm thì cô cũng đưa tiền thêm, nhưng lại phải trình bày rõ ràng, có khi phải “phản biện” như báo cáo đề án với sếp mới được duyệt chi!
Có lúc muốn “đột phá”, mua cho cô em gái cái máy vi tính hay biếu ba mẹ hộp sâm, Tuệ cũng chỉ nghĩ vậy rồi... thôi. Nói ra, Tâm sẽ không từ chối, nhưng thế nào cô cũng tính toán, xem đợi lúc nào mới mua. Chẳng hạn cái máy vi tính thì đợi em gái Tuệ thi đậu đại học đã, còn hộp sâm thì chờ đến dịp kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, chứ không bao giờ Tâm chấp nhận “đang yên đang lành” mà anh tặng nọ tặng kia để “ai cũng tưởng mình giàu”, “thành cái lệ không hay”... Trong khi đó, Tuệ vừa được thăng chức, tăng lương, Tâm cũng đã khoe đến cái sổ tiết kiệm “to” hơn.
Đề nghị “chỉ đưa đầy đủ lương, còn các khoản khác anh giữ tự chi, dư sẽ đưa em” của Tuệ bị vợ bác bỏ thẳng thừng, coi là “giở chứng”. Chẳng lẽ lại bắt chước mấy ông bạn, giấu biệt một vài khoản, Tuệ nghĩ. Không biết khi đó Tâm sẽ căng thẳng với chồng cỡ nào...
Theo Thanh Niên