Nghiện ăn đất như nghiện thuốc lào

Jacqueline

Newcaster
(ThuVienBao.com) - Ăn đất giống như ăn miếng gan lợn, thơm ngon, bùi béo, không sạn chút nào mà sồn sột như khoai lang, lại the the, mát mát.
Tục lệ ăn đất ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) xưa kia đã là một chuyện lạ. Nhưng việc có một thời, cả làng, cả xã dựng lò chế biến, từng đoàn người lũ lượt xe bò hay quang gồng, quanh gánh tiu tíu đi buôn đất ăn còn là chuyện lạ lùng, “hiếm có khó tìm” hơn cả.
Cách đây chừng hai ba mươi năm, chợ Trục, chợ Then, chợ Miễu, chợ Vàng, chợ Việt Trì, rồi chợ huyện đâu đâu cũng có bán ngói (tiếng địa phương, chỉ loại đất đã qua chế biến để ăn). Chợ quê lèo tèo lợp lá cọ hay mái bổi chẳng mấy hàng quán nhưng hàng ngói thì không thể thiếu.
Hàng ngói ngồi sát hàng rau, mỗi bà bày ra vài rổ đất kê trên hai viên gạch. Đồi Bò Vàng, thuộc xã Xuân Hòa khi ấy (giờ đổi thành thôn Thống Nhất thuộc thị trấn Lập Thạch) là trung tâm đầu não của nghề sản xuất cũng như buôn đất ăn với nhiều truyền thống nhiều đời kế tục.
Anh Khổng Văn Lai, cháu nội bà Khổng Thị Nồi, nhớ lại thủa mình tầm 12 – 13 tuổi đã phải đi đào đất, cạo đất để cho bà đem hun. Mấy viên đá kê làm bếp, cái phên tre đan mắt cáo thưa bắc ngang xếp ngói lên trên, dưới chất rơm, lá sim, lá ổi, lá mua mà đốt. Lá dùng để hun ngói không tươi quá cũng không khô quá, phải là loại lá ưởi đang khô dở. Gà gáy sớm hai bà cháu đẩy xe bò từ nhà ra chợ huyện xa hàng chục cây số.
Nghien-an-dat-nhu-nghien-thuoc-lao_Tin180.com_001.jpg

Bà Biện tái hiện lại cảnh bán đất ăn.
Trên xe chất ba bốn bao tải đất ăn cộng thêm vài cái rổ xảo ước chừng nặng khoảng một tạ. Xe có bốn cọc gỗ để gác mấy tàu lá cọ chống mưa nhưng trời mưa to là phải cởi cả áo mưa ra mà che thêm cho đất. Người ướt thì được nhưng kị nhất là đất ướt sẽ mất mùi, có vị chua, cầm chắc ế. Bà Nồi kéo xe bằng cả hai tay, vai lại quàng thêm sợi dây chạc mới có đủ lực tì khi lên dốc. Lắm buổi từ gà gáy lần thứ nhất bà đã kẽo kẹt xe ngói sang tận chợ Vồ ở Việt Trì (Phú Thọ) với quãng đường dài ngót 20 km.
Ông Loa nhớ lại thời bố mình nghiện ngói đến mức mỗi ngày ăn tới dăm lạng. Ngói hun xong đút vào ống nứa, cất gác bếp để giữ mùi thơm, đi đâu xa ông thủ vài miếng vào túi mang theo, thèm lúc nào ăn lúc đấy. Nghiện đất cũng tốn kém như mọi thứ nghiện khác. Dăm lạng ngói giá bằng 10 xu, mỗi ngày bố ông Loa ăn đất tốn bằng ăn một đấu sắn.
Sau này, các nhà khoa học đem ngói ấy đi phân tích mới hay đó là đất cao lanh, chứa nhiều khoáng chất, canxi cần cho phụ nữ chửa đẻ nhưng dân Thống Nhất giản dị hơn, bảo đất đó có nhiều chất mát, chất khỏe. Ngói gây cơn thèm, nhất là đối với những người… “khát máu” kiểu nghiện tiết canh như các bà chửa hay người thèm chất thơm như các ông hút thuốc lào.
Ăn ngói khi no cũng được, khi đói cũng chẳng sao càng không có chuyện ngộ độc thực phẩm, đau bụng. Sinh thời, bố ông Loa thường bảo với các con rằng: “Tao cứ có vài viên ngói, bát nước chè tươi, điếu thuốc lào là vỡ đất trồng sắn cả buổi không biết mệt”.
Ký ức của ông Loa về những ngày xưa cũ có buổi hội xuân trai làng thách nhau đi qua cây tre, một đầu cố định, một đầu đung đưa trên sợi dây chạc. Trống thúc ầm ầm, tim đập thình thịch, đám đông vòng trong, vòng ngoài hò reo. Người vượt qua cây tre đung đưa rung bần bật ấy sẽ được thò tay… bóp ngực một thiếu nữ rất xinh đứng ở phía đầu cầu và hơn hết sẽ được thưởng 10 xu tiền để vào chợ mà ăn một bữa ngói thật thỏa thuê cơn thèm khát.
Nhiều quả đồi nơi khác có đất ngói nhưng chỉ là ngói dắt, lẫn nhiều tạp chất còn đồi Bò Vàng nung núc ngói nạc, vừa béo vừa bột lại không sạn, không bứ, chát. Đào hố sâu 5 – 6 m mới chạm đến tầng ngói, người khai thác đục từng cái bậc khoét sâu vào thành đất để vịn tay mà xuống. Miệng hố bé, dưới phình to.
Nghien-an-dat-nhu-nghien-thuoc-lao_Tin180.com_002.jpg

Hố đào đất trên đồi Bò Vàng.
Bà Biện bảo: “Ăn đất giống như ăn miếng gan lợn, ngon, thơm, bùi, béo, không sạn chút nào mà sồn sột như khoai lang lại the the, mát mát”. Cụ Sao, cụ Lượt, cụ Thu, cụ Nồi mỗi buổi chợ phiên kéo hàng tạ ngói nên phải phân chia địa bàn để tránh nhiều người đi cùng một chợ là ế. Các chợ bán theo phiên, riêng chợ Trục ngày nào cũng có ngói.
Người mua phần lớn là những bà ốm ghén, lại có cánh đàn ông muốn bỏ thuốc lào cũng mua ngói ăn cho đỡ… nhớ khói. Kẻ mua, người bán đều nhẵn mặt nhau. Cứ nhón một vốc bỏ vào lá chuối là 2 hào, 2 nhón là 4 hào, chỉ “bán quạ” chứ không đếm. Đến chiều bà cháu lại kéo xe về.
Bà kể có lắm người không có tiền nhưng chót nghiện ngói liền giở trò ăn cắp. Miệng tiu tíu hỏi thăm nhưng lơ đễnh một chút là bỏ tọt dúm ngói vào túi rồi “lỉnh” mất. Cuối mỗi buổi chợ có những người tha thẩn đi nhặt những ngói vụn nhỏ như cái móng tay lọt qua khe rổ các bà hàng rơi xuống đất.
Đời nghề làm đất ăn khổ nhất những ngày mưa. Hố ướt, ngói ướt, làm sao có bát gạo, bát sắn cho đàn con chín đứa của bà khỏi cảnh đói ăn. Cuối thập niên 70 là thời kỳ thịnh vượng nhất của nghề buôn đất ăn, chợ quê nơi nơi bày ngói bán. Lúc chị Nguyễn Thị Khuyên về làm dâu trong nhà bà Biện năm 1989 đã không còn cảnh gánh ngói đi bán mà đèo bằng xe đạp.
Cái yên xe chằng 2 bao tải, 1 cái rổ xảo chị cứ thế đạp đi đến tận năm 1996 khi đẻ đứa út mới thôi nghề. Chị là người bán ngói cuối cùng của đất Lập Thạch. Chị Khuyên bảo rằng, giờ vẫn có người tìm mua ngói nhưng họ ăn ngói không phải vì nghiện mà như nhớ lại một thời quá khứ.
Gò đất tổ tiên truyền lại cho dòng họ Khổng vẫn còn mà giờ nghề cổ gần như tuyệt diệt. Ông Khổng Văn Loa đau đáu nhớ dịp mẹ mình, bà Nồi mất. Lúc đó bà đã ốm lắm rồi, một buổi bà gọi con cháu lại bảo cho bát nước lã, vài viên ngói ăn. Bà đi hôm 25 Tết, cái xe bò ngói chưa kịp bán vẫn để hoang nơi góc nhà.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam
(theo ngoisao)
 
Back
Top