Việc phòng bệnh và chữa bệnh có nhiều biện pháp, phương thức khác nhau. Nếu dùng một phương pháp nào đó có thể cho kết quả tốt mà không cần dùng thuốc thì đó là cách thức tốt nhất.
Đối với người cao tuổi, nên hạn chế sử dụng thuốc chừng nào tốt chừng đó, không nên nghĩ rằng mỗi khi có bệnh là phải có thuốc uống ngay.
Khi bị mắc bệnh, trong những trường hợp cần thiết, nếu phải dùng thuốc mới chữa được bệnh thì nên dùng càng ít loại thuốc càng tốt, chọn thuốc ít độc, ít tác dụng phụ nhưng có hiệu lực cao. Chú ý nên chọn phương thức, đường đưa thuốc vào cơ thể an toàn nhất nhưng vẫn bảo đảm được sự hấp thu tốt và công hiệu.
Cần chọn liều lượng thuốc thích hợp, tối ưu nhất để bảo đảm được tính hiệu quả, an toàn và hợp lý khi dùng thuốc. Phải tiên lượng đến trạng thái tổng quan của cơ thể người bệnh và bệnh tật mắc phải, khả năng giải độc của gan và thải trừ của thận.
Điều luôn luôn cảnh báo là khi đang chữa bệnh này thì có thể phát sinh gây nên tác hại cho cơ thể do có thêm các bệnh khác. Gan và thận của người cao tuổi thường đã bị lão hóa nên khả năng giải độc và thải trừ không còn nhạy bén nữa. Vì vậy cần phải đề phòng những tác dụng không mong muốn của thuốc dễ có khả năng xảy ra.
Khi người cao tuổi cần sử dụng thuốc trong một thời gian dài, phải thực hiện đầy đủ chế độ theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá, nhận định kết quả điều trị từng thời gian, từng giai đoạn và điều chỉnh liều lượng thuốc, loại thuốc cần thiết.
Người cao tuổi thường bị mắc nhiều bệnh mạn tính nên việc dùng thuốc có khi phải kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Vì vậy, thuốc dùng từng đợt dài hay ngắn tùy theo loại bệnh mắc phải, tùy theo loại thuốc sử dụng và kết quả đáp ứng điều trị nhưng nên có những khoảng thời gian nghỉ dùng thuốc xen kẽ.
Theo Sức khoẻ và Đời sống