Nha khoa tư nhân – nhìn từ “bên trong”

thanhlinh

Junior Member
rang.jpg
Lấy cao răng (Ảnh minh họa)
Những ai quan tâm đến hàm răng, nụ cười sẽ không khó để nhận ra, các phòng khám nha khoa hình như sinh sôi nảy nở sau mỗi ngày trên đường phố Hà Nội. Bạn tôi ví von đó là hiện tượng “trăm hoa đua nở”, âu cũng là lẽ thường trong thời buổi hội nhập, mở cửa, cạnh tranh. Đó là một tín hiệu đáng mừng, thế nhưng…

Nở rộ

Thuở tôi theo học ngành Y cách đây gần 20 năm, ngày ấy tôi còn nhớ ở nước ta chỉ có 2 trung tâm đào tạo Y khoa lớn là Hà Nội và TP.HCM được phép đào tạo các chuyên khoa lẻ (Mắt, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt, Da liễu…) và chỉ các sinh viên Y khoa có thành tích học tập cao ở 4 năm đầu mới được xét chọn gửi đi đào tạo. Các sinh viên này sau khi tốt nghiệp được công nhận là bác sỹ chuyên khoa và hầu hết họ được giữ lại làm công tác giảng dạy hoặc về các bệnh viện ít nhất là đa khoa tuyến tỉnh. Lực lượng các bác sỹ chuyên khoa từ thời kỳ tôi học trở về trước đã thực sự là hạt nhân xây dựng và phát triển chuyên ngành mà họ được đào tạo, cho đến nay họ đều đã thành danh cho dù đứng trên giảng đường hay làm công tác điều trị. Cũng vào thời ấy, các chuyên khoa lẻ, tuy được đào tạo bài bản và chuyên sâu nhưng lại không được giới trong nghề “hào hứng” nhập cuộc, bởi lẽ lúc ấy không có y tế tư nhân, mà ở bệnh viện công thì các chuyên khoa đàn anh như Nội, Ngoại, Sản, Nhi luôn giữ thế độc tôn và được sùng kính.
Đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước về kinh tế - xã hội, chính sách xã hội hóa y tế cùng với hội nhập quốc tế đã thổi một luồng gió mạnh, dồi dào sinh lực vào ngành y tế và giới hành nghề y. 10 năm trở lại đây, trong giới y khoa, vị thế của các chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi so với các chuyên khoa lẻ đã bị đổi chiều chí ít trong vấn đề hội nhập với đời sống xã hội thời kinh tế thị trường. Trong việc bác sỹ mở phòng mạch tư thì có lẽ các bác sỹ chuyên khoa lẻ tỏ ra chiếm ưu thế và có nhiều thuận lợi, trong đó dễ thấy nhất là khả năng “độc lập tác chiến” của bác sỹ chuyên khoa lẻ thì các bậc đàn anh nêu trên đành ngậm ngùi tiếc nuối, ngoài ra vốn đầu tư thấp, trang thiết bị không yêu cầu quá cao và không đắt tiền cũng là những lợi thế “nhìn mà thèm” của các bậc đàn anh thuở nào. Trong tình hình đó, Răng - Hàm - Mặt là một chuyên khoa lĩnh trọn mọi ưu thế này và hơn nữa nó còn được cộng đồng nhiệt liệt hưởng ứng, bởi khi người ta đủ ăn, đủ mặc, khi người ta giàu có, người ta không thể không nghĩ đến cái đẹp, cái hoàn mỹ thế là người ta đổ xô đi thẩm mỹ răng. Có người dám bỏ cả hàm răng trời cho, “gia truyền cha mẹ để lại” để thay bằng một hàm răng “toàn sứ” đều tăm tắp và “trắng lóa”.

Điều kỳ diệu mà tạo hóa giúp các nha sỹ là đã ban cho loài người có tận những 28 - 32 chiếc Răng, về số lượng, răng gấp vài chục lần so với các cơ quan khác trong cơ thể, đã đông thì khó mà khỏe hết, đẹp hết được, thế là chuyện đau răng, sâu răng, viêm lợi là chuyện cơm bữa và ngày nay con người chịu đau, chịu khổ kém hơn ngày trước. Thế là phải cầu đến nha sỹ, đến phòng răng.

Do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, các đại học y khoa cũng “trăm hoa đua nở” trong việc mở chương trình đào tạo bác sỹ chuyên khoa Răng – Hàm -Mặt (RHM), đủ mọi trình độ, đủ mọi mô hình đào tạo, thậm chí các bác sỹ RHM có phòng khám tư cũng đào tạo sinh viên Y khoa năm cuối theo kiểu “đặt tay, chỉ việc” để làm việc tại phòng mạch của họ. Một chương trình đào tạo bác sỹ RHM “đột phá” của các cơ sở đào tạo phía Bắc là chương trình đào tạo bác sỹ chuyên khoa định hướng RHM 1 năm, phát kiến này nghe đâu làm choáng váng các bậc thầy ở phía Nam và làm nản lòng những người thầy tâm huyết với nghề, sau một loạt các bác sỹ tốt nghiệp chương trình này ra đời có thể đã làm giới trong nghề thấy áy náy, bất an, nên hội nghị các cơ sở đào tạo RHM gần đây đã nhóm họp quyết định bỏ loại hình đào tạo này, từ đó lại sinh ra chuyện “ta phủ nhận ta”, chính các trường sinh ra mô hình này lại có xu hướng mở khóa đào tạo nâng cao thêm 1 năm cho các bác sỹ đã tốt nghiệp do chính họ vừa đào tạo gây nên những khó khăn lớn cho học viên và học phí đào tạo tăng ngoài kế hoạch của người học.

Tuy vậy mô hình đào tạo này đã có công lao “cực kỳ” to lớn trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho các phòng răng tại Hà Nội và các đô thị trên cả nước, mà nguyên ủy chương trình sinh ra và được chính phủ cho phép chỉ là để đào tạo nên những bác sỹ làm công tác CSSK răng miệng ban đầu ưu tiên cho các tỉnh xa xôi. Từ tất cả những yếu tố đó, việc các phòng khám nha khoa ra đời hàng ngày là chuyện không có gì phải "chau mày" mới lý giải được.

Cẩn thận!


Người viết bài này “vòng vo Tam quốc” mãi, đành phải nói đủ ngọn nguồn may ra mới toát lên được logic của vấn đề. Các phòng Nha khoa mọc lên như nấm sau mưa, tất yếu phải dẫn đến cạnh tranh, và cái sự cạnh tranh ấy được khởi nguồn từ việc lấy cao răng, nhổ răng miễn phí (xin thưa, nhổ răng là một thủ thuật Nhà nước qui định rất nghiêm ngặt mà không phải cứ phòng răng là được làm), đó là nhịp cầu ngắn nhất để các phòng nha khoa nối giữa bệnh nhân và phòng khám. Công an nhìn kẻ bị còng tay đương nhiên là tội phạm, nha sỹ nhìn người nằm trên ghế răng tất nhiên đầy những sự cần phải giải quyết, bởi đâu chỉ là cao răng, hay nhổ răng, không ít phòng nha khoa giao việc lấy cao răng cho kỹ thuật viên mới vào nghề, thế cho nên lấy cao răng chỉ với giá…30.000 đồng, thậm chí có phòng nha khoa treo biển “biếu không” cho bệnh nhân là điều dễ hiểu.

Tôi dám chắc rằng bất cứ ai nếu hỏi các bậc thầy chân chính trong giới RHM cũng đều nhận được câu trả lời, rằng lấy cao răng không phải là một cuộc chơi, một thứ trang sức, một lối mòn tiếp thị cho phòng răng của mình, hay một việc quá đỗi “bình thường” của bệnh nhân, mà nó thực sự là một kỹ thuật chuyên ngành, nó cũng như bao thủ thuật khác trong y khoa, cần có quy trình, cần sự nghiêm cẩn, cần cái tâm đức của thầy thuốc. Lấy sạch cao răng, đảm bảo an toàn (đặc biệt là vấn đề vô khuẩn, điều này bệnh nhân gần như phó mặc cho các phòng răng), không đau, có trình tự, có hướng dẫn chu đáo sau thủ thuật, điêu luyện trong thao tác (bớt tiếng xoèn xoẹt chói tai của máy lấy cao răng) là một việc không hề đơn giản.

Hầu hết các bác sỹ RHM lâu năm trong nghề mà chúng tôi tiếp xúc đều không ai nhất trí coi việc lấy cao răng là thứ bùa “khuyến mại” của nghề nghiệp và không ai ủng hộ việc lấy cao răng chỉ với… 30.000đ, trừ khi khi đó là hoạt động cộng đồng hay từ thiện, thậm chí có những bậc thầy trong nghề, người tỏ ra phẫn nộ, người trầm ngâm, mệt mỏi trước sự hỗn loạn của thế cuộc.

Người viết bài xin có lời gửi gắm tới bạn đọc, nếu không may một ngày nào đó bạn phải đến với Nha sỹ và nằm trên chiếc máy răng bóng loáng, trong căn phòng choáng ngợp ánh đèn, dù chỉ là lấy cao răng cũng cần yêu cầu được tư vấn cặn kẽ và hãy nhìn kỹ biển tên và chức danh của người đang tiến hành kỹ thuật cho mình. Sức khỏe không có giá, càng không thể mua được sức khỏe bằng tiền nhưng dịch vụ y tế thì có giá, thiết nghĩ chúng ta không nên chọn một dịch vụ y tế chỉ bằng một tiêu chí là… giá rẻ.

Hãy cẩn thận đấy, với hàm răng của bạn. Có thể sẽ bị đòi nhổ, hoặc thay thế bằng một hàm răng giả đắt kinh người

Theo BS. Phương Thảo
 
Back
Top