Phòng tránh viêm khớp tái phát do bệnh gút

thanhlinh

Junior Member
benh%20gut%201.jpg
Tổn thương khớp ngón chân ở người bệnh gút.
Hiện nay số người mắc các bệnh lý chuyển hóa như bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, gút... ngày càng tăng và trở thành một vấn đề quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bệnh gút tuy được biết đến từ rất lâu nhưng thực tế việc điều trị bệnh vẫn còn nhiều bất cập. Điều trị cơn gút cấp thường không khó nhưng dự phòng tái phát bệnh, tránh những đợt viêm khớp tái phát và ngăn chặn bệnh chuyển sang mạn tính lại không đơn giản.
Vì sao phải dự phòng viêm khớp tái phát do gút?
Gút là một bệnh do rối loạn chuyển hóa tác nhân purin, với đặc trưng là tăng acid uric trong máu và lắng đọng các tinh thể monosodium urat ở các tổ chức, các mô biểu hiện bằng viêm khớp; tích luỹ vi tinh thể ở khớp, xương, mô phần mềm, sụn khớp, được gọi là tophi; lắng đọng vi tinh thể ở thận, gây bệnh thận do gút; sỏi tiết niệu. Gút là một bệnh liên quan rất nhiều đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, thường gặp ở nam giới và tuổi trung niên. Rất nhiều bệnh nhân và ngay cả nhiều thầy thuốc chỉ điều trị viêm khớp cấp tính, sau vài ngày hết viêm khớp tưởng đã khỏi bệnh nên không có điều trị duy trì tiếp theo. Hậu quả là sau một thời gian ngắn một đợt viêm khớp cấp tính mới lại xuất hiện và bệnh diễn biến nhanh chóng đến gút mạn tính với nhiều biến chứng nặng nề như phá hủy khớp, nổi u cục dưới da (cục tophi), sỏi thận, suy thận... Do đó việc điều trị tốt dự phòng cơn gút tái phát đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm hạn chế tối đa tác hại của bệnh đối với hệ xương khớp và hệ tiết niệu.
Phòng tránh bệnh tái phát như thế nào?
Các nguyên nhân chính gây tăng acid uric máu là:
- Do tăng tổng hợp purin và tăng cung cấp qua đường ăn uống.
- Tăng dị hoá các acid nhân nội sinh (tiêu tế bào, dùng thuốc điều trị ung thư).
- Giảm thải trừ acid uric qua thận (suy thận).
- Dùng thuốc: Lợi tiểu, pyrazynamid, corticoid, aspirin liều thấp.
Do vậy, mục đích của điều trị dự phòng cơn gút tái phát là làm hạ thấp acid uric xuống dưới mức bình thường, bằng cách tác động lên các nguyên nhân gây bệnh kể trên thông qua các biện pháp sau:
Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Chế độ ăn cho bệnh nhân gút là ăn giảm đạm (100-150g thịt/ngày), ăn giảm calo, giữ trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý. Đảm bảo uống đủ nước để thận có thể lọc tốt (2-2,5 l/ngày). Kiềm hóa nước tiểu để tăng đào thải acid uric qua thận bằng các loại nước khoáng có kiềm cao hoặc nước kiềm 14%.
Những thực phẩm không nên ăn: tránh thức ăn giàu purin (phủ tạng động vật như gan, óc, tim, lòng, bầu dục, một số loại nấm, măng tây, tôm, cua, cá béo, cá hộp, thịt bê, đậu hạt các loại...). Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả. Bỏ thức uống có cồn như rượu, bia... Tránh lao động quá mức, tránh các yếu tố có thể khởi phát cơn gút như chấn thương... Khi cần phải phẫu thuật hoặc mắc một bệnh toàn thân nào đó, phải chú ý theo dõi sát lượng acid uric máu để điều chỉnh kịp thời. Cố gắng loại bỏ mọi thuốc có thể làm tăng acid uric máu nếu có thể (corticosteroid, lợi tiểu...) hoặc thay bằng các thuốc khác.
Nếu chế độ ăn đạt hiệu quả, tức là không có các cơn thường xuyên, acid uric máu dưới 60 mg/L (360 mmol/L), không có hạt tophi và tổn thương thận, thì ta chỉ cần duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống như trên là đủ. Nếu không, chúng ta phải dùng thêm các thuốc làm giảm acid uric máu.
Biện pháp dùng thuốc
- Colchicin: Ngoài chỉ định trong điều trị cơn gút cấp, colchicin còn được sử dụng với mục đích dự phòng các cơn gút tái phát. Thuốc không làm thay đổi nồng độ acid uric máu và sử dụng liều thấp (0,5-1 mg/ngày). Cần theo dõi tác dụng phụ (tiêu chảy...) của thuốc để điều chỉnh hay kết hợp thuốc kịp thời.
- Thuốc hạ nồng độ acid uric máu: Các thuốc ức chế tổng hợp acid uric do ức chế men xanthine - oxydase, gây hạ acid uric máu và niệu. Thuốc hay được sử dụng nhất là allopurinol (zyloric) được chỉ định trong mọi trường hợp gút, nhất là trường hợp có tăng acid uric niệu, sỏi thận, suy thận. Song không nên dùng allopurinol trong khi đang có cơn cấp, mà nên đợi khoảng một tháng sau mới bắt đầu. Nếu đang dùng allopurinol mà có đợt cấp, thì ta vẫn tiếp tục dùng thuốc bình thường. Liều thường dùng từ 100-300 mg/ngày, và tùy theo lượng acid uric máu mà chỉnh liều. Trị liệu này có tác dụng ngăn các cơn gút cấp và làm các hạt tôphi, sỏi tiết niệu nhỏ dần và có thể biến mất. Chú ý thuốc hay gây dị ứng và nếu xảy ra thì các tổn thương thường nặng.
Một số thuốc khác như các thuốc tăng thải acid uric qua thận và ức chế hấp thụ acid uric ở ống thận (benémid, anturan, amplivix...) làm giảm acid uric máu, song làm tăng acid uric niệu, nên có thể gây sỏi thận. Thuốc tiêu acid uric (uricozyme): là enzym uricase có tác dụng chuyển acid uric thành allantoine dễ hòa tan. Các thuốc này ít được sử dụng hơn.
Tóm lại: Bệnh gút là một bệnh rối loạn chuyển hóa đòi hỏi phải điều trị và theo dõi lâu dài nhưng cho kết quả tốt nếu bệnh nhân tuân thủ tốt chế độ sinh hoạt và ăn uống, và thầy thuốc sử dụng phối hợp các thuốc một cách hợp lý. Chúng ta có thể hoàn toàn phòng tránh được các biến chứng nặng nề của bệnh.
TS.BS. Đào Hùng Hạnh (Bệnh viện Bạch Mai)

Sức Khỏe & Đời Sống
 
Back
Top