Các chuyên gia tại Đại học Linkoping (Thụy Điển) yêu cầu 12 người đàn ông và 6 phụ nữ ở độ tuổi đôi mươi, tất cả đều có thân hình mảnh khảnh và trong tình trạng sức khỏe tốt, ăn 2 bữa một ngày tại một quán McDonalds, Burger King hoặc những nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh khác trong khoảng thời gian 4 tuần trở lên.
Những người tình nguyện cũng được yêu cầu không tập thể dục. Mục đích của nhóm nghiên cứu là tăng trọng lượng cơ thể của những người tình nguyên lên 10% tới 15% để đánh giá tác động của tình trạng tăng đột ngột lượng calorie lấy vào cơ thể.
Mẫu máu của nhóm đối tượng nghiên cứu được lấy trước, trong và sau khi tiến hành thử nghiệm để nhóm chuyên gia theo dõi nồng độ một loại enzyme có tên alanine aminotransferase (ALT) - chất chỉ thị mức độ tổn thương gan. ALT thường xuất hiện trong máu của những người nghiện rượu và mắc viêm gan C với nồng độ cao.
Nồng độ ALT tăng nhanh chóng chỉ sau đúng một tuần và tăng gấp 4 trong khoảng thời gian còn lại, bác sĩ Frederik Nystrom, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
"Kết quả khiến tôi kinh sợ. Một người tình nguyện buộc phải rút lui vì nồng độ ALT của anh ấy tăng gấp 10 lần mức bình thường. Ở 11 người khác, ALT tăng lên tới mức độ thường thấy ở bệnh nhân bị tổn thương gan mặc dù nhiều người trong số đó không uống rượu", ông nói.
Cũng theo Frederik Nystrom, hai người tham gia thử nghiệm mắc bệnh thoái hóa mỡ ở gan - tác nhân có thể dẫn tới nguy cơ mắc tiểu đường Type 2.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng đồ ăn nhanh cũng có thể đem lại một vài lợi ích đối với sức khỏe.
"Chúng tôi nhận thấy HDL, còn được gọi là cholesterol có ích, tăng lên sau 4 tuần. Điều này thật đáng ngạc nhiên", Nystrom phát biểu.
HDL có tác dụng làm sạch thành mạch máu, loại bỏ lượng cholesterol xấu - tác nhân gây tổn thương động mạch vành - và đưa nó tới gan để xử lý.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự gia tăng lượng mỡ bão hòa trong cơ thể có liên quan tới sự gia tăng cholesterol có ích", Nystrom kết luận.
Việt Linh VNE/theo Healthday