Viêm gan siêu vi B không di truyền

thanhlinh

Junior Member
gan.jpg
Bị viêm gan siêu vi B có di truyền hay không? Đó là câu hỏi làm băn khoăn nhiều bạn trẻ đang bị bệnh này khi họ muốn sinh con.

Anh Nguyễn Hoàng, 26 tuổi, ở TP HCM, phát hiện bản thân bị nhiễm siêu vi B khi làm xét nghiệm máu. Anh lo lắng đến gầy người vì nghĩ mình không thể lập gia đình và có con vì nghe "đồn" người bị nhiễm siêu vi B sẽ thành viêm gan siêu vi B và di truyền cho con.
Nhưng các bác sĩ chuyên khoa đã khẳng định, viêm gan siêu vi B không có tính di truyền. Người nhiễm siêu vi B vẫn có cuộc sống bình thường và không lây truyền cho vợ hoặc chồng nếu người kia đã được tiêm ngừa trước khi quan hệ tình dục.
Các bác sĩ nhấn mạnh, viêm gan siêu vi B do siêu vi trùng gây ra và chỉ lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục. Bởi siêu vi trùng gây viêm gan chủ yếu lưu hành trong máu. Ngoài khả năng lây truyền từ mẹ sang con, qua đường tình dục, qua việc truyền máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi B, dùng chung kim tiêm, người ta còn có thể bị nhiễm siêu vi B vì xăm mình, châm cứu, xỏ lỗ tai... với vật dụng không được vô trùng.
"Siêu vi B không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường trong cuộc sống như bắt tay, ngủ chung, ăn chung...", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng I, TP HCM, nói.
Tuy nhiên, người bị nhiễm siêu vi B không thể tự biết bệnh được. Chỉ có thể khẳng định đã nhiễm hay không khi có kết luận của bác sĩ sau xét nghiệm máu. Vì vậy, người có các biển hiện giống như nhiễm siêu vi B cấp như: vàng da, sốt, tiểu vàng thì nên đi khám để có kết luận chính xác. Khi có kết luận là nhiễm siêu vi B thì người bệnh nên khám chuyên khoa gan để biết tình trạng viêm gan sẽ tiến triển như thế nào. Chỉ như vậy bác sĩ mới có tham vấn và có chỉ định điều trị phù hợp để bệnh không phát triển.
Người đã nhiễm siêu vi B dạng cấp hoàn toàn có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên khi một người đã có siêu vi B muốn kết hôn và muốn sinh con thì dứt khoát người bạn đời của họ phải được tiêm ngừa viêm gan siêu vi B trước khi có quan hệ tình dục. Người đã tiêm ngừa sẽ hoàn toàn miễn nhiễm đối với siêu vi B. Con họ sinh ra sẽ không bị lây nhiễm vì viêm gan siêu vi B không có tính di truyền. Tuy nhiên, việc tiêm ngừa chỉ có tác dụng đối với người không mang siêu vi trong người. Và tiêm ngừa sẽ không có tác dụng nếu như đã có siêu vi trong người kể cả "người lành mang trùng", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Do đó trước khi tiến hành tiêm ngừa nên tiến hành xét nghiệm máu để có kết quả như mong muốn.
Một người lành mang trùng hay người viêm gan siêu vi B dạng cấp nhẹ thì không cần phải kiêng cữ trong ăn uống, chỉ cần hạn chế tối đa việc uống rượu. Đối với những trường hợp dạng cấp nặng hay mãn tính thì bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định cụ thể về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và điều trị cho từng trường hợp.
Vì vậy các bác sĩ khuyên người nhiễm viêm gan siêu vi B mãn tính nên đến bác sĩ để được điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan. Vì nếu bệnh đã tiến triển đến giai đoạn xơ gan thì không thể hồi chức năng của gan ngay cả khi tình trạng gan đã được cải thiện.
Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới, hiện có khoảng 350 triệu người mang siêu vi B, tập trung chủ yếu ở châu Phi, châu Á và Đông Nam Á.

VnExpress
 
Back
Top