Luật bảo vệ con trẻ (CSPA)

T

T$

Guest
Sau đây là bài viết của luật sư Darren Nguyễn Ngọc Chương về bảo lãnh di trú theo luật CSPA đăng trên Trang Web Người Việt Online.

Ðạo luật Child Status Protection Act (CSPA) được ban hành vào ngày 6 Tháng Tám năm 2002, nhưng đến nay Sở Di Trú Hoa Kỳ vẫn chưa lập quy định về việc thi hành đạo luật. Ðạo luật này thay đổi cách cứu xét những người nào được coi là con độc thân, dưới 21 tuổi trong những trường hợp cấp chiếu khán bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và trong những trường hợp thay đổi tình trạng di trú bởi Sở Di Trú Hoa Kỳ. Tuy rằng đạo luật này có hiệu lực từ ngày ban hành, nhưng đến nay Sở Di Trú Hoa Kỳ chưa lập quy định về việc thi hành đạo luật. Vì lý do đó những sự trình bày sau đây dựa vào những giác thư và ý kiến của Sở Di Trú, và ngôn ngữ pháp lý của đạo luật CSPA. Ðạo luật này được phân ra làm 8 điều khoản và tôi sẽ trình bày điều khoản số 2 tới điều khoản số 6.

Ðạo luật này có hiệu lực từ ngày ban hành (tức là ngày 6 Tháng Tám năm 2002) và được áp dụng vào những hồ sơ nào có những người con quá 21 tuổi vào ngày 6 Tháng Tám năm 2002 hoặc sau ngày đó. Nếu những người con đó quá 21 tuổi trước ngày 6 Tháng Tám năm 2002, có thể được hưởng quyền lợi của đạo luật này nếu:

1. Những đơn bảo lãnh (đơn I-130) được chấp thuận mà đơn xin chiếu khán hoặc đơn xin thay đổi tình trạng di trú chưa được quyết định.

2. Những đơn bảo lãnh (đơn I-130) đang chờ đợi sự quyết định trước khi ngày hoặc sau khi ngày đạo luật được ban hành.

3. Những đơn đang chờ đợi sự quyết định của Bộ An Ninh Nội Chính (tức là Sở Di Trú) hoặc Bộ Ngoại Giao (tức là Lãnh Sự Hoa Kỳ).

Nhưng trước khi trình bày những điều khoản đó tôi xin sơ lượt qua những diện bảo lãnh thân nhân. Diện bảo lãnh theo diện thân nhân gồm có 2 loại. Loại thứ nhất là Immediate Relative và loại thứ hai là Family Based Preference.

Diện Immediate Relative là diện bảo lãnh cho vợ, chồng, con độc thân dưới 21 tuổi (con nuôi và con mồ côi cũng được lọt vào diện này), cha hoặc mẹ của công dân Hoa Kỳ, và diện này là diện bảo lãnh thân nhân mau nhất so với những diện bảo lãnh thân nhân khác.

Diện Family Based Preference được chia ra làm 5 Preferences (tức là 5 loại ưu tiên). Ưu tiên 1 được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ. Ưu tiên 2A được dành cho vợ, chồng, hoặc con cái dưới 21 tuổi của thường trú nhân. Ưu tiên 2B được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của thường trú nhân. Ưu tiên 3 được dành cho những người con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ. Ưu tiên 4 được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.


Ðiều khoản số 2

Trước khi đề cập tới điều khoản 2 của đạo luật Child Status Protection Act (CSPA), chúng tôi xin nhắc lại, trước kia, khi chưa có luật nới rộng này thì nếu cha mẹ là công dân Hoa Kỳ bảo lãnh con dưới 21 tuổi, thì người con đó phải dưới 21 tuổi kể từ ngày làm đơn bảo lãnh cho tới khi nhập cảnh Hoa Kỳ vẫn không được quá 21 tuổi. Nếu quá 21 tuổi thì không được hưởng ưu tiên của diện Immediate Relative. Nay điều khoản 2 của đạo luật Child Status Protection Act (CSPA) được nới rộng nhằm giúp cho những hồ sơ nào trong diện bảo lãnh con dưới 21 tuổi (cha mẹ là công dân Hoa Kỳ) được thỏa mãn hơn, nghĩa là chỉ cần người con dưới 21 tuổi lúc đơn I-130 được nhận bởi Sở Di Trú Hoa Kỳ là được rồi và sau đó khi có visa, hoặc nhập cảnh Hoa Kỳ dù con có trên 21 tuổi vẩn được đến Hoa Kỳ.

Tiếp đó điều khoản 2 sửa đổi luật di trú để những người con của thường trú nhân được lọt vào diện Immediate Relative sau khi người bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ. Ngày của người bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ sẽ là ngày Sở Di Trú dùng để xác định người được bảo lãnh sẽ lọt vào diện Immediate Relative hay diện ưu tiên. Ðiển hình là người cha hoặc mẹ bảo lãnh cho người con khi người con đó 17 tuổi và người bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ khi người con 20 tuổi, người con đó sẽ được lọt vào diện Immediate Relative dù là chiếu khán được cấp hoặc nhập cảnh Hoa Kỳ sau khi người con đó quá 21 tuổi hoặc nộp đơn thay đổi tình trạng di trú sau khi người con đó quá 21 tuổi.

Và sau cùng, dưới điều khoản 2, những người con dưới 21 tuổi đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ được quyền chuyển sang diện Immediate Relative khi người con đó ly dị trước khi 21 tuổi. Ngày ly dị sẽ là ngày Sở Di Trú dùng để xác định người được bảo lãnh sẽ lọt vào diện Immediate Relative hay diện ưu tiên. Ðiển hình là người công dân Hoa Kỳ nộp đơn bảo lãnh cho người con 18 tuổi đã có gia đình. Sau khi đơn bảo lãnh đã nộp, người con đó ly dị. Người con sẽ được lọt vào diện Immediate Relative, nếu ly dị trước khi 21 tuổi, dù là chiếu khán được cấp hoặc nhập cảnh Hoa Kỳ sau khi người con đó quá 21 tuổi hoặc nộp đơn thay đổi tình trạng di trú sau khi người con đó quá 21 tuổi.


Ðiều khoản số 3

Ðiều khoản 3 của Child Status Protection Act (CSPA) được áp dụng để ngăn ngừa sự quá 21 tuổi của những con của thường trú nhân, và con của người được bảo lãnh (trong những diện như là ưu tiên 3, ưu tiên 4 v.v...) Ðiều khoản này khác với điều khoản 2 là Sở Di Trú sẽ không dựa vào ngày đơn bảo lãnh nộp để xác định rằng một người trên 21 tuổi được coi như là con dưới 21 tuổi để được hưởng quyền lợi di trú. Dưới điều khoản này, tuổi của những người con khi ngày ưu tiên (priority date) tới hạn, trừ đi thời gian từ ngày đơn bảo lãnh nộp tới ngày đơn bảo lãnh được chấp thuận, sẽ là ngày Sở Di Trú dùng để xác định rằng là những người con đó vẫn được coi là dưới 21 tuổi, nếu những người con đó nộp đơn xin chiếu khán hoặc thay đổi tình trạng di trú trong vòng 1 năm khi ngày ưu tiên đã tới hạn.

Ðiển hình là người bảo lãnh nộp đơn bảo lãnh cho người anh (diện ưu tiên 4). Dưới diện ưu tiên, gia đình (tức là vợ hoặc chồng và những người con dưới 21 tuổi) của người được bảo lãnh sẽ được đứng chung một hồ sơ. Khi người em nộp đơn bảo lãnh cho người anh thì người anh có vợ và một người con đúng 9 tuổi. Khi ngày ưu tiên tới hạn, thì người con là 21 tuổi và 10 tháng. Thời gian từ ngày đơn bảo lãnh nộp tới ngày đơn bảo lãnh được chấp thuận là 12 tháng. Tuổi của người đó sẽ được thục xuống 12 tháng. Người con sẽ được xác định là 20 tuổi và 8 tháng và người đó sẽ được tiếp tục xác định rằng là dưới 21 tuổi và sẽ được tiếp tục chung một hồ sơ với người cha.

Ðiển hình nữa là người bảo lãnh là thường trú nhân nộp đơn bảo lãnh cho người con. Khi đơn bảo lãnh nộp, người con đó độc thân và mới có 15 tuổi (diện ưu tiên 2A). Khi ngày ưu tiên tới hạn, thì người con đó là 21 tuổi và 10 tháng. Thời gian từ ngày đơn bảo lãnh nộp tới ngày đơn bảo lãnh được chấp thuận là 9 tháng. Tuổi của người đó sẽ được trừ đi 9 tháng. Người con sẽ được xác định là 21 tuổi và 1 tháng và người đó sẽ không được tiếp tục xác định rằng là dưới 21 tuổi và sẽ bị chuyển sang diện ưu tiên 2B (diện ưu tiên cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân).


Ðiều khoản số 4 và điều khoản số 5

Ðiều khoản 4 và điều khoản 5 của đạo luật Child Status Protection Act (CSPA) cũng tương tự như nhau và được áp dụng cho những hồ sơ tỵ nạn. Nhưng hai điều khoản có một khác biệt là điều khoản 4 được áp dụng cho những hồ sơ tị nạn được nộp tại Hoa Kỳ và điều khoản 5 được áp dụng cho những hồ sơ tị nạn được nộp ngoài Hoa Kỳ. Hai điều khoản này được áp dụng khi người con độc thân muốn đoàn tụ hoặc đứng cùng đơn với cha hoặc mẹ mà đơn xin tị nạn của cha hoặc mẹ đã được chấp thuận. Người con đó dưới 21 tuổi khi cha hoặc mẹ nộp đơn xin tị nạn nhưng thời gian chờ đợi hồ sơ tị nạn được chấp thuận quá lâu, người con đó đã quá 21 tuổi, thì với đạo luật Child Status Protection Act (CSPA), nay người con đó sẻ được Sở Di Trú Hoa Kỳ xác định là con dưới 21 tuổi và sẽ được hưởng quyền lợi di trú.


Ðiều khoản số 6

Ðiều khoản 6 của đạo luật Child Status Protection Act (CSPA) qui định rằng hồ sơ bảo lãnh tự động chuyển diện ưu tiên 2B (tức là diện của những người con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân) qua sang diện ưu tiên 1 (tức là diện của những người con độc thân trên 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ), nhưng điều khoản 6 cũng qui định rằng những người con độc thân trên 21 tuổi được quyền yêu cầu hồ sơ bảo lãnh không chuyển từ ưu tiên 2B sang ưu tiên 1. Chắc quí bạn đọc cũng thắc mắc là tại sao điều khoản này cho phép người được bảo lãnh yêu cầu hồ sơ không chuyển từ ưu tiên thấp qua ưu tiên cao vì ai ai cũng muốn hồ sơ của họ được chuyển từ ưu tiên thấp sang ưu tiên cao. Nhưng quí bạn đọc nên hiểu rằng đạo luật này được áp dụng cho tất cả hồ sơ bảo lãnh theo diện thân nhân cho tất cả quốc gia trên thế giới. Sau đây là hai điển hình hầu giúp cho quí bạn đọc hiểu rõ về điều khoản này hơn.

- Ðiển hình thứ nhất là ngày ưu tiên (tức là priority date) priority date của diện ưu tiên 2B (tức là diện của những người con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân) cho Tháng Giêng năm 2003 là ngày 22 Tháng Tư năm 1994 và ngày ưu tiên của diện ưu tiên 1 cho Tháng Giêng năm 2003 là ngày 1 Tháng Năm năm 1999. Nếu thường trú nhân bảo lãnh cho người con 22 tuổi, độc thân và là công dân Việt Nam, và sau khi nộp đơn bảo lãnh người thường trú nhân trở thành công dân Hoa Kỳ, diện ưu tiên của người con sẽ được tự động chuyển sang ưu tiên 1. Sự chuyển diện sẽ có lợi cho người con đó cho nên người con đó sẽ không chống đối sự chuyển diện đó.

- Ðiển hình thứ hai là ngày ưu tiên 2B cho công dân Phi Luật Tân cho Tháng Giêng năm 2003 là ngày 22 Tháng Tư năm 1994 và ngày ưu tiên 1 cho công dân Phi Luật Tân cho Tháng Giêng năm 2003 là ngày 1 Tháng Tư 1990. Nếu thường trú nhân bảo lãnh cho người con 22 tuổi, độc thân và là công dân Phi Luật Tân, và sau khi nộp đơn bảo lãnh người thường trú nhân trở thành công dân Hoa Kỳ, đương nhiên người con đó sẽ yêu cầu chống lại sự tự động chuyển đó vì ngày ưu tiên cho diện ưu tiên 2B sẽ tới sớm hơn diện ưu tiên 1. Trong trường hợp này thì người con sẽ tiếp tục được coi là diện ưu tiên 2B.
 
Back
Top