T
T$
Guest
- 6 tháng 2 2015
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc họp khẩn tại thủ đô Kiev để trình bày sáng kiến hòa bình mới.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, người cũng đang có mặt ở Kiev, nói Hoa Kỳ muốn thấy một giải pháp ngoại giao, nhưng sẽ không làm ngơ trước sự xâm lược của Nga.
Giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy thân Nga đã khiến gần 5.400 người thiệt mạng kể từ tháng Tư, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.
Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga vũ trang và chi viện quân chính quy cho phe nổi dậy.
Nga phủ nhận liên quan trực tiếp đến xung đột ở Ukraine, nhưng cũng cho biết một số binh sỹ nước này đã tình nguyện chiến đấu cùng quân nổi dậy.
[h=2]'Hành động bừa bãi'[/h]Tổng thống Poroshenko nói trong một thông cáo rằng cuộc gặp với bà Merkel và ông Holland "mang lại hy vọng ... về một thỏa thuận ngừng bắn".
Trước đó, ông cũng đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo hai nước Đức và Pháp vì có chuyến thăm vào thời điểm "vô cùng cấp bách".
Lãnh đạo hai nước này không đưa ra bình luận về chuyến thăm hôm 5/2.
Trước thềm cuộc gặp, ông Hollande nói ông và bà Merkel sẽ trình bày một đề xuất mới nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình, trong đó lấy sự "toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine làm gốc, và "có thể được tất cả các bên chấp nhận".
Tuy nhiên, ông cũng nói con đường ngoại giao không thể "kéo dài vô thời hạn".
Ông Hollande và bà Merkel sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào ngày 6/2.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với ông Kerry, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk nói: "Chúng tôi cần hòa bình. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ điều gì xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
"Chúng ta chọn một giải pháp hòa bình, thông qua con đường ngoại giao, nhưng hòa bình không thể được thiết lập bởi chỉ một phía," ông Kerry nói.
Ông cũng cho biết Tổng thống Obama đang "xem xét mọi phương án", trong đó bao gồm việc cung cấp "vũ khí phòng vệ" cho Ukraine.
Hoa Kỳ hiện chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các thiết bị không gây sát thương cho Ukraine, như kính nhìn trong đêm và áo chống đạn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói quyết định viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ cho Ukraine sẽ "là làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Nga-Mỹ".
Nhiều quan chức cao cấp của phương Tây cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước khả năng Hoa Kỳ viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã nói việc này không khác này "ném thêm vũ khí vào chảo lửa", trong khi tư lệnh Nato Philip Breedlove nói chính phủ các nước cần hiểu rằng quyết định này có thể "châm ngòi cho một phản ứng gay gắt hơn từ phía Nga".
[h=2]'Lực lượng mũi nhọn'[/h]Người phát ngôn Điện Kremlin nói ông Putin sẽ thảo luận 'cách nhanh chóng nhất để chấm dứt cuộc nội chiến ở miền đông nam Ukraine'.
Các nhà quan sát nói hiện vẫn chưa rõ những giải pháp mới sẽ khác những giải pháp đã thất bại trước đây như thế nào - nhưng cũng có một số phán đoán rằng ông Hollande và bà Merkel muốn can ngăn Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Cuộc gặp tại Kiev diễn ra trong lúc Nato công bố kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu do khủng hoảng tại Ukraine.
Một đội quân phản ứng nhanh, với quân số khoảng 5.000, dự kiến sẽ sớm được ra mắt, với các đơn vị mũi nhọn có khả năng được triển khai chỉ trong hai ngày.
Nato cũng đang thiết lập một mạng lưới các trung tâm chỉ huy tại Estonia, Lithuania, Latvia, Ba Lan, Romania và Bulgaria.
Xung đột đã leo thang ở miền Đông Ukraine trong những tuần gần đây, sau khi quân nổi dậy mở một đợt tấn công mới.
Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở thị trấn Debaltseve, nơi quân nổi dậy đang tìm cách bao vây quân chính phủ Ukraine.
Thị trấn này là nơi đặt tuyến đường sắt quan trọng nối giữa các thành phố Donetsk và Luhansk, vốn đang nằm trong tay quân nổi dậy.
Khoảng 1,2 triệu người dân Ukraine đã phải sơ tán khỏi nơi ở từ hồi tháng Tư năm ngoái, sau khi quân nổi dậy chiếm phần lớn vùng Luhansk và Donetsk, tiếp nối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Theo BBC Vietnamese