Nguy cơ nông dân bỏ làng vì phá rừng, đào than

Jolie

Member
Hàng chục hécta ruộng lúa nước của nông dân hai thôn Thành Đại và Đại Mỹ xã Đại Hưng (Đại Lộc, Quảng Nam) đang bị nhiễm than bùn, mất mùa do khai thác than. Nông dân lo sợ những hiểm họa môi trường từ việc phá rừng lấy than sẽ tiếp tục xảy ra.


View attachment 6819
Máy ngoạm của các công ty đang bạt núi, đào than. Ảnh: Nguyễn Thành
Đào than, tan hoang rừng
Rừng Khe Tre (Đại Hưng, Đại Lộc) nằm phía trên nguồn nước dẫn về cánh đồng của hai thôn Thành Đại và Đại Mỹ đang ngày đêm bị các doanh nghiệp cày xới để lấy than.
Hiện tại có gần 10 đơn vị, doanh nghiệp đang khai thác, tuy nhiên chỉ có 5 đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép, số còn lại dưới hình thức liên doanh liên kết với để cùng khai thác than.
Các đơn vị khai thác có thể kể đến là Công ty TNHH Hòa Thịnh, Công ty TNHH Trường Long, Công ty TNHH Sơn Thắng, Công ty TNHH Phúc Thành Long, Công ty TNHH Hoàng Phúc, Công ty TNHH Độc Lập, Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản HTX Đại Hưng và Công ty 27-7.
Từ sau Tết đến nay, tình hình khai thác càng trở nên rầm rộ, hàng trăm hécta rừng đang bị cày xới. Các đơn vị khai thác bố trí hàng trăm công nhân cùng với máy xúc, máy ủi, nổ mìn để bạt núi mở đường, phát quang rừng để lấy than.
Theo con đường dốc gồ ghề do các đơn vị khai thác than tại núi Khe Tre đang tan hoang vì khai thác than, trước mắt chúng tôi là hàng chục lán trại tạm bợ của công nhân được dựng lên.
Càng lên cao, tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các mỏ than đã được các đơn vị khai thác xong bỏ lại với ngổn ngang cây cối, đất đá và những hố sâu gần chục mét, rộng cả trăm mét vuông. Với hàng chục điểm khai thác mới vừa được khai mở, rừng bị đốn hạ không thương tiếc.
“Rừng này là rừng nguyên sinh, nhưng cứ đà này thì không lâu nữa sẽ không còn gì. Khu rừng này là cửa chắn cho dân làng mỗi khi có lũ về. Dân lo sợ nhất là sạt lở vào mùa mưa lũ, đất đá cuốn xuống làng thôi” – Ông Trần Văn Trung, một người dân thôn Thành Đại dẫn đường cho chúng tôi bức xúc.
Mỗi một ngày từ khu rừng này hàng trăm tấn than được khai thác và vận chuyển ra đồng nghĩa với nhiều cây rừng Đại Hưng đang tiếp tục bị đốn hạ.
View attachment 6818
Ruộng đồng hai thôn Thành Đại và Đại Mỹ bị nhiễm bùn than từ việc khai thác than
Nguy cơ bỏ làng
Núi Khe Tre tan hoang vì các DN đào than thì dưới, nguồn nước chảy ra từ khe núi, hơn 50ha lúa của người dân hai thôn Thành Đại và Đại Mỹ cũng đang bị nhiễm than bùn nghiêm trọng, khiến người dân đang đứng trước nguy cơ bỏ làng vì không thể sản xuất.
Hiện nay, nhiều hộ nông dân điêu đứng vì ruộng đồng ngập tràn bùn và than, lúa không trổ đòng và mất mùa trong vụ vừa qua.
Dẫn chúng tôi ra thăm 2 sào ruộng của gia đình mình, chị Lê Thị Hương bức xúc: “Nếu như trước đây, chưa có chuyện khai thác than thì ruộng đâu đến nỗi này, cả gia đình đủ gạo ăn cả năm. Nay ruộng đồng bị ngập bùn than hết, lúa không sao trổ đòng được, nhiều nhà đã bỏ ruộng rồi”.
Dọc theo kênh thủy lợi nội đồng, và con suối khe Cái ngược lên vùng rừng núi Khe Tre, trước mắt chúng tôi là một màu đen sẫm vì than bùn của suối khe Cái. Theo những người dân nơi đây, than ngấm xuống dưới đáy một lớp dày đặc, nhiều nơi nước đã đặc quánh lại. Vào những đợt mưa lớn, nước suối tràn vào mang theo thứ than bùn này vào đồng ruộng làm nhiều diện tích lúa chết và mất mùa.
“Dân bây giờ không làm ruộng thì biết làm gì vì ở đây đất màu không có. Nuôi trâu, bò nhưng giờ có dám cho trâu bò ra đồng đâu vì sợ chúng uống nước độc chết mất. Cứ đà này thì dân chúng tôi phải bỏ làng đi nơi khác thôi” – Ông Phạm Trí (50 tuổi), một người dân thôn Thành Đại nói.
Người dân 2 thôn Thành Đại và Đại Mỹ cho hay, họ đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên cấp trên yêu cầu cấm tuyệt đối không cho khai thác than để người dân có thể ổn định cuộc sống và làm ăn. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có câu trả lời.
Sẽ xử lý…
Mang tiếng than từ những ngôi làng dưới núi than lên lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc, ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch huyện, trả lời:
“Chuyện các DN khai thác than là do UBND tỉnh cấp phép. Nhiều lần nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi cũng đã đi kiểm tra thực tế. Đúng là có chuyện ruộng đồng bị ô nhiễm, phản ánh của dân là cấp bách. Nhưng chúng tôi cũng chỉ đình chỉ theo văn bản của huyện nếu như đơn vị không đảm bảo được đánh giá tác động đối với môi trường mà thôi”.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi cấp phép cho 5 đơn vị khai thác than ở núi Khe Tre khi xét thấy họ đủ năng lực, thời gian khai thác cũng chỉ là 2 năm. Nếu có những DN đang khai thác than lậu như anh nói thì chúng tôi sẽ lập tức kiểm tra, xử lý.
Về phản ánh của người dân, chúng tôi cũng đã cử Sở TNMT xuống kiểm tra, họ đang báo cáo cho tôi tình hình cụ thể. Nếu đúng như những gì dân phản ảnh, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Nguyễn Thành
Theo TP​
 

Attachments

  • 1..jpg
    1..jpg
    39.8 KB · Views: 0
  • 2..jpg
    2..jpg
    52.5 KB · Views: 0
Back
Top